Krông Nô: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW tại địa phương
Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngày 05/01/2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 51 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhằm “Đổi mới căn bản, toàn điện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các địa phương, đến nay sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Krông Nô đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.
Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực tham mưu, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình theo từng nhiệm vụ cụ thể được phân công, đồng thời đề ra các biện pháp triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong đổi mới GD&ĐT; huy động các lực lượng xã hội tham gia tuyên truyền, đóng góp nhân lực, vật lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và sự chăm lo của nhân dân, ngành giáo dục huyện Krông Nô đã tích cực phấn đấu, thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi và đạt nhiều thành tích đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW. Huyện đã tập trung dành nguồn lực lớn để đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo hướng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Quan tâm, chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các nhà trường; xây dựng nhà trường vừa là trung tâm giáo dục, vừa là trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái, nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương, được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển.
Trên địa bàn huyện có 42 trường học gồm: 13 trường Mầm non, 18 trường Tiểu học, 10 trường THCS, 01 trường TH &THCS và 04 nhóm trẻ độc lập tư thục; 01 trung tâm BTXH Nhà may mắn; 03 trường THPT, 01 trường PTDTNT, THCS&THPT Krông Nô, 01 TTGDNN-GDTX; Hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng về nhu cầu học tập, cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng kiên cố với định hướng lâu dài bền vững.
Các cấp học từ bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn huyện có 28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2; (08 trường Mầm non; trong đó có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 10 trường Tiểu học; trong đó có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 07 trường THCS; trong đó có 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 01 trường PTDTNT, THCS, THPT Krông Nô đạt chuẩn quốc gia mức độ 01; 01 trường THPT Krông Nô đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và trường THPT Trần Phú đạt chuẩn quốc gia mức độ 1)
Hiện nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 21 lớp phổ cập xóa mù, với hơn 900 học viên tham gia học tập, nâng tỷ lệ số người lớn biết chữ lên 95,2%. Đến nay có 100% xã, thị trấn vẫn duy trì được đạt chuẩn Phổ cập giáo dục - Xóa mù chữ, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học, và phổ cập THCS. Hàng năm được UBND tỉnh công nhận huyện Krông Nô duy trì đạt chuẩn phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục xoá mù chữ mức độ 2, phổ cập trung học cơ sở mức độ 1.
về cơ bản, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó: mầm non là 84,1%, tiểu học là 96,6%, trung học cơ sở là 91,1%, THPT là 100%.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo học sinh trên địa bàn huyện luôn được quan tâm từ đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; Tỷ lệ học sinh THPT đậu tốt nghiệp trên 97% - 100%; Tỷ lệ học sinh đạt thành tích xuất sắc, giỏi ngày càng cao; nhiều em đạt giải học sinh giỏi cấp tình, cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 95% trở lên; tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên vẫn còn, một số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định tại Luật giáo dục 2019.
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn trên. Trong thời gian tới để giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-CT/TW. Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Nô đề ra những giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW.
Hai là, phát huy vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Quan tâm chăm lo xây dựng xã hội học tập vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Các đơn vị, địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trưng tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các phương thức học tập dựa theo mô hình giáo dục mờ, đa dạng, linh hoạt. Tiếp tục phát động và triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thường các mô hình, điển hình, các nhân tố mới về học tập, những gia đình, dòng họ, khu dân cư, đơn vị hiếu học tiêu biểu, những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyển học, khuyến tài...
Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mói giáo dục; quan tâm chăm lo đời sóng vật chất, tinh thần và động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên để nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định.
Bốn là, quan tâm đầu tư, phát triển, hoàn thiện mạng lưới trường lớp gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, chú trọng đầu tư nguồn lực để xây dựng trường chuẩn gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và dạy học.
Năm là, phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác phối hợp tuyến truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của các cấp ủy Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW, nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân trong tham gia đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo.
Văn Bá