Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo
Với vai trò là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hội viên nông dân tại các cấp Hội, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã tích cực phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đẩy mạnh công tác ủy thác cho vay, qua đó hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để kịp thời chuyển tải vốn tín dụng đến đúng đối tượng có nhu cầu, các cấp Hội thường xuyên quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, tổ chức lồng ghép qua các buổi sinh hoạt định kỳ tại các chi, tổ hội, các câu lạc bộ, các hội nghị. Các cấp Hội bám sát mục tiêu nhiệm vụ, chương trình công tác hằng năm, nghị quyết của ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn của hộ vay, thực hiện triển khai giải ngân cho vay kịp thời. Nhờ đó chất lượng tín dụng được nâng lên, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được củng cố kiện toàn, hoạt động đúng quy định và hiệu quả. Bên cạnh đó, hằng năm các cấp Hội Nông dân phối hợp với ban đại diện NHCSXH huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác vay vốn cho cán bộ hội và ban quản lý tổ TK&VV.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang quản lý 417 tổ TK&VV, hoạt động tại 713 thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, nhận ủy thác 1.170 tỷ 588 triệu đồng, chiếm 26,56% dư nợ cho vay. Trong thời gian qua các tổ TK&VV đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa NHCSXH, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thông qua công tác vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế, đời sống của các hộ gia đình hội viên thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, dần xóa bỏ được mặc cảm, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được củng cố.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn vay ủy thác, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, cách sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho hàng ngàn lượt hội viên nông dân tham gia; triển khai xây dựng các mô hình như: mô hình cải tạo vườn cà phê, mô hình nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, mô hình trồng bơ xen canh cà phê,... và hỗ trợ vật tư, cây, con giống cho trên 1.200 hội viên nông dân tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua trên 15.000 tấn phân bón bằng hình thức trả chậm; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho trên 12.000 lượt hội viên; mở 34 lớp đào tạo dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, tin học cho 944 hội viên, nông dân tham gia, tạo sự lan tỏa, thu hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Từ nguồn vốn vay kịp thời đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, điển hình như gia đình hội viên Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đắk Hà, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô. Ông Dũng chia sẻ: “gia đình tôi vay NHCSXH huyện 30 triệu đồng theo chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, có nguồn vốn, tôi tăng cường đầu tư vào chăm sóc vườn cây cà phê và trồng xen cây ăn quả, hiện nay, với 1,5ha cà phê trồng xen cây ăn quả cho thu nhập khá ổn định”. Cũng giống như gia đình ông Dũng, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, nông dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhờ biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, điển hình như gia đình hội viên: Nguyễn Văn Sơn, Trần Đình Lý, Y Đai xã Đức Minh, Trần Thị Sáng, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil sau khi được tiếp cận nguồn vốn với tinh thần chịu khó làm ăn, đầu tư chăm sóc cải tạo vườn cà phê, làm ruộng, kết hợp chăn nuôi, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà, mua thêm vườn rẫy và phương tiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
|
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, giúp gia đình chị H’er Niê, buôn U2, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút)
đầu tư chăm sóc vườn cà phê hiệu quả, nâng cao thu nhập. |
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục chủ động phối hợp với NHCSXH cùng cấp triển khai tốt công tác ủy thác nguồn vốn, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu để hộ vay hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi vay vốn; công khai cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay.
Trọng Tặng