Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị
Phát triển nguồn nhân lực là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực.
Nói một cách khái quát nhất, phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền của địa phương, trong hoạt động thi hành công vụ. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nói riêng và hệ thông chính trị nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, có nêu: “Tình hình chính trị - xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là trong việc xử lý các mâu thuẫn liên quan đến đất đai; khó khăn trong giải quyết tình trạng di dân tự do. Cải cách hành chính, nhất là việc triển khai chính quyền điện tử chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội một số mặt chưa sâu. Kết quả một số nội dung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, văn hóa, có đạo đức lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi chức năng, nhiệm hiệm vụ theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng và hiệu quả công việc, là khâu then chốt trong sự nghiệp cách mạng, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về công tác quy hoạch cán bộ
Quy hoạch cán bộ, bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối về công tác cán bộ. Trên cơ sở quy hoạch, cần thực hiện kịp thời công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí quy hoạch và theo yêu cầu về vị trí việc làm để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Chỉ đưa vào quy hoạch hoặc giới thiệu để bầu, bổ nhiệm vào chức danh cán bộ, công chức, viên chức những người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo cơ bản, chính quy đã qua thử thách trong thực tiễn, có triển vọng phát triển; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời, không bố trí những cán bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm khắc đối với những người không chấp hành chủ trương điều động, luân chuyển của cấp có thẩm quyền.
Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ
Tập trung xây dựng, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm kể cả chức danh lãnh đạo và vị trí thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thiện công tác phân tích công việc, xác định vị trí việc làm và xây dựng khung năng lực đối với các chức danh cán bộ để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng và đề bạt.
Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đúng tiêu chuẩn chức danh, bảo đảm tiêu chuẩn rồi mới tiến hành bố trí, bổ nhiệm khi đủ các tiêu chuẩn đã quy định, tránh tình trạng đề bạt, bổ nhiệm rồi mới đưa đi đào tạo hoàn thiện hoặc cho nợ các tiêu chuẩn và điều kiện.
Việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ phải phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo phù hợp cơ cấu, tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp như bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, vị trí việc làm, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý điều hành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; văn hóa công sở, Tin học, ngoại ngữ…
Phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh. Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, sửa đổi, bổ sung, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng, trong đó chú trọng thực tiễn, giảm lý luận, thời gian lên lớp, tăng thời gian để các học viên tự nghiên cứu, thảo luận, đi nghiên cứu thực tế để trang bị những kiến thức và kỹ năng phù hợp, thiết thực với công việc của cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhận.
Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ quy hoạch, gắn với sử dụng, đúng với ngạch và chức danh cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác lãnh đạo, điều hành và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể.
Tập trung huy động nguồn lực phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo, công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Về cơ chế, chính sách
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút đặc thù đối với một số ngành trọng điểm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời phải có chế độ đãi ngộ hợp lý để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cần phải có chính sách riêng về tiền lương, chính sách quy hoạch, bổ nhiệm, chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở… đối với nguồn nhân lực chất lượng cao để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, phấn đấu học tập, cống hiến cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
Về công tác kiểm tra, giám sát
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của nhà nước trong công tác thu hút ngồn nhân lực chất lượng cao, cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Văn Bá