Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của tổ chức đảng cơ sở
Công tác kiểm tra của tổ chức đảng cơ sở có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng góp phần quan trọng trong đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, nhìn chung các tổ chức đảng cơ sở đã chủ động quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm để tổ chức thực hiện theo quy định. Nội dung tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao, việc đăng ký và thực hiện nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII…. Thông qua kết quả kiểm tra đã giúp cho đảng viên nhận thấy tồn tại, hạn chế để khắc phục và có giải pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian đến.
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác kiểm tra của các tổ chức đảng cơ sở có một số tồn tại, hạn chế, như: Thứ nhất, Nội dung kiểm tra đối với đảng viên nêu chung chung, chưa gắn liền với chức năng nhiệm vụ được giao, mốc thời gian ngắn (như 3 tháng, 6 tháng). Thứ hai, Quy trình các cuộc kiểm tra chưa chặt chẽ, không đúng quy định (như thiếu kế hoạch kèm theo quyết định kiểm tra, biên bản triển khai, không có báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ, không có thông báo kết luận kiểm tra của Chi bộ, biên bản họp kết luận…). Thứ ba, Thể thức các văn bản liên quan (như quyết định, kế hoạch, thông báo kết luận kiểm tra…), không đúng mẫu quy định, ở mỗi tổ chức thì có biểu mẫu khác nhau, không có sự thống nhất chung theo hướng dẫn của tổ chức đảng cấp trên. Thứ tư, việc lưu trữ hồ sơ một số tổ chức đang chưa được quan tâm, thiếu tính khoa học, dẫn tới các hồ sơ thiếu các văn bản liên quan theo quy định… Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức về công tác kiểm tra của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là đồng chí bí thư chưa đúng mức; cán bộ được phân công phụ trách kiêm nhiệm, kinh nghiệm còn hạn chế.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra của chi bộ cơ sở, trong thời gian tới, các tổ chức đảng cơ sở thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chi bộ cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong công xây dựng đảng của tổ chức cơ sở đảng. Theo đó, hằng năm khi xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra phải nghiên cứu, lựa chọn đối tượng, nội dung gắn liền với nhiệm vụ được giao và xác định được mốc kiểm tra (được 12 tháng) trở lên. Kết quả kiểm tra, kết luận mới giúp cho đảng viên được kiểm tra nhận thấy được ưu điểm để phát huy, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kiểm tra. Đồng thời, cũng cần phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên, để tham gia góp ý cho đảng viên và tổ kiểm tra về nội dung kiểm tra.
Hai là, Công tác kiểm tra của tổ chức đảng cơ sở phải được tiến hành thường xuyên, đúng quy trình, quy định (Hồ sơ kiểm tra phải đảm bảo, như: (1)quyết định, kế hoạch kiểm tra, đề cường hướng dẫn, trích biên bản triển khai; (2) báo cáo của tổ kiểm tra; báo cáo tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra; (3) thông báo kết luận của chi bộ, trích biên bản họp kết luận cuộc kiểm tra…).
Ba là, cán bộ được phân công phụ trách công tác kiểm tra phải giành thời gian để nghiên cứu các văn bản, tham mưu cho chi bộ thực hiện đảm bảo quy trình, quy định; đồng thời, sau các cuộc kiểm tra phải sắp xếp, lưu trữ hồ sơ đảm bảo đúng quy định.
Bốn là, UBKT cấp trên tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra đối với chi bộ cơ sở; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát ở cấp cơ sở, giúp cho nhiệm vụ kiểm tra được thực hiện nề nếp, đúng quy trình, quy định./.
Đường Hồng Thắng