Tìm hiểu chung về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
1. Chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa có thể hiểu là các biện pháp can thiệp của chính phủ đến hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và lạm phát. Nói cách khác, Chính sách tài khóa là những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện thành tựu kinh tế vĩ mô thông qua việc thay đổi chi tiêu chính phủ và thuế. Như vậy, việc thực thi Chính sách tài khóa sẽ do chính phủ thực hiện liên quan đến những thay đổi trong các chính sách thuế hoặc/và chi tiêu chính phủ.
Trên cả lý thuyết và thực tế, Chính sách tài khóa có vai trò đáng kể đối với phát triển kinh tế. Khái quát nhất, có thể nhận thấy tầm quan trọng của Chính sách tài khóa thông qua một số vai trò cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, Chính sách tài khóa trên lý thuyết là một công cụ nhằm khắc phục thất bại của thị trường, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua thực thi chính sách chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách. Chẳng hạn, chính phủ sử dụng ngân sách để cải thiện các dịch vụ công như: dịch vụ pháp lý; chống độc quyền, tội phạm, nâng cấp hệ thống thông tin, thanh toán... qua đó làm tăng năng suất và hiệu quả của khu vực tư nhân.
- Thứ hai, Chính sách tài khóa có chức năng như một công cụ phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Mục tiêu của chính sách lúc này là nhằm điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro có nguồn gốc từ thị trường. Hàm ý khi đó là Chính sách tài khóa nhằm tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội để tạo ra môi trường ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.
- Thứ ba, Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu tăng trưởng và định hướng phát triển. Tăng trưởng (thu nhập), trực tiếp hay gián tiếp, đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa. Một cấu phần trong chi tiêu chính phủ là chi cho đầu tư phát triển thường tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các dự án này có những định hướng ưu tiên vào một số ngành, khu vực hay vùng, qua đó Chính sách tài khóa kiến tạo nền tảng và định hướng phát triển. Điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế suất hay ban hành thuế mới cũng là công cụ nhằm kích thích hay hạn chế phát triển một ngành hay lĩnh vực kinh tế nào đó.
- Thứ tư, Chính sách tài khóa có thể được áp dụng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Vào thời kỳ kinh tế suy thoái, sản xuất đình trệ, thất nghiệp tăng cao thì một chính sách tài khóa mở rộng với liều lượng đủ lớn được thực thi đúng thời điểm có thể giúp sản lượng của nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên, Chính sách tài khóa cũng có thể trở thành nhân tố góp phần làm suy thoái kinh tế trầm trọng hơn. Ngoài ra, mở rộng chi tiêu công thông qua đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cũng có thể gây tác động lấn át đầu tư tư nhân và sau đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Và như vậy, trên thực tế trong quản lý kinh tế vĩ mô, cần kết hợp Chính sách tài khóa với Chính sách tiền tệ để điều tiết nền kinhh tế.
2. Chính sách tiền tệ
Với tư cách là một chính sách kinh tế vĩ mô, Chính sách tiền tệ là tập hợp các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về tiền tệ trước hết nhằm kiểm soát cung tiền, lãi suất và cuối cùng nhằm đạt các mục tiêu kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả, tăng trưởng và việc làm.
Như vậy chính sách tiền tệ có đối tượng tác động trực tiếp là thị trường tiền tệ; nội dung của chính sách tiền tệ là các tác động kiểm soát cung tiền; mục tiêu cuối cùng của chính sách cũng là các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
* Có 2 kiểu Chính sách tiền tệ
- Chính sách tiền tệ mở rộng là chính sách áp dụng các biện pháp chính sách làm tăng cung tiền.
- Chính sách tiền tệ thắt chặt là chính sách khi các biện pháp làm giảm cung tiền.
Việc chuyển Chính sách tiền tệ từ kiểu này sang kiểu kia phục vụ cho các mục tiêu kinh tế khác nhau, và cũng cần một thời gian nhất định. Trên thực tế, có thể áp dụng kiểu trung gian với các tên gọi trung tính như “Chính sách tiền tệ linh hoạt”, “Chính sách tiền tệ có điều chỉnh”…
Chính sách tiền tệ đến nay đã trở thành một chính sách vĩ mô được sử dụng ở tất cả các quốc gia theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, sự đánh giá quá cao Chính sách tiền tệ của phái trọng tiền ngày nay đã bị coi là quá thiên lệch và phiến diện khi cho rằng Chính sách tiền tệ có vai trò chủ lực, quyết định trong điều hành kinh tế vĩ mô, còn Chính sách tài khóa chỉ có vai trò thứ yếu. Trên thực tế, việc quá đề cao Chính sách tiền tệ đã làm cho nhiều quốc gia trở nên lúng túng trước những biến động vĩ mô không tìm ra giải pháp. Ngày nay, hầu hết các nhà lý thuyết và hoạch định chính sách đều thống nhất cho rằng, không được đề cao quá mức vai trò của cả Chính sách tiền tệ cũng như Chính sách tài khóa. Việc điều hành kinh tế vĩ mô cần sử dụng phối hợp cả hai chính sách này một cách linh hoạt, phù hợp. Điều đó có nghĩa là cả Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải được coi trọng như nhau và phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Thành Châu