Tỉnh Đắk Nông ban hành chính sách để thu hút, giữ chân nhân lực ngành y tế
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, nguồn nhân lực y tế tỉnh Đắk Nông đã được củng cố, phát triển cả số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới. Chính sách thu hút, đãi ngộ thực hiện từ năm 2015 đến tháng 6/2021 (Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND, ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh), giai đoạn này, ngành Y tế Đắk Nông đang thiếu bác sĩ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao (bác sĩ chính quy trở lên), cụ thể: Bác sĩ tại thời điểm xây dựng chính sách năm 2015 là 286 người đến nay là 510, tăng lên 224 bác sĩ. Dược sĩ tại thời điểm xây dựng chính sách năm 2015 là 11 người, đến nay là 79 người, tăng lên 68 dược sĩ; dược sĩ chuyên khoa I: 13 người. Trong đó, bác sĩ chuyên khoa I và tương đương tại thời điểm xây dựng chính sách năm 2015 là 46, nay 149, tăng lên 103 bác sĩ. Bác sĩ chuyên khoa II, tại thời điểm xây dựng chính sách thu hút là 02, đến nay là 12 bác sĩ và 01 tiến sĩ. Ngoài ra, đang có 02 bác sĩ đang đi đào tạo chuyên khoa II, và 01 công chức đang đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế vẫn còn nhiều bất cập; còn thiếu bác sĩ đại học chính quy, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn y tế sau đại học có chuyên môn sâu; đội ngũ chuyên gia đầu ngành mỏng; số lượng bác sĩ chính quy đại học, sau đại học và chuyên môn y sau đại học về công tác hàng năm trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và vùng xâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng còn ít. Tình trạng thiếu bác sĩ để bố trí về công tác tại các đơn vị y tế, lĩnh vực đặc thù như: pháp y, tâm thần, cơ quan Sở Y tế, các chi cục và khu vực khó khăn chưa có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, việc giữ chân các bác sĩ đang công tác, tình trạng chảy máu chất xám cũng không tránh khỏi đối với bác sĩ đã có kinh nghiệm, thâm niên công tác, có chuyên môn sâu, dẫn đến thêm phần khó khăn, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng chuyên môn, các dịch vụ kỹ thuật y tế dù đã có bước phát triển nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước, dẫn đến tình trạng phải chuyến tuyến, làm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn và động viên, khuyến khích đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa phương, phấn đấu đưa chỉ số bác sĩ/vạn dân tăng từ 4,1 (năm 2004) lên 8,9 (năm 2025), đạt mặt bằng chung của khu vực Tây Nguyên, ngày 24/7/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã thông qua Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Các chính sách này có hiệu lực thi hành từ ngày 03/8/2024.
Nghị quyết quy định 03 chính sách để phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Chính sách thu hút đối với đối tượng là những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo về y tế trong và ngoài nước được tuyển dụng, tiếp nhận công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc ngành Y tế tỉnh Đắk Nông (trừ các đối tượng được đào tạo đại học theo diện cử tuyển hoặc theo địa chỉ sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi đào tạo) và không thuộc các đối tượng đã là công chức, viên chức đang công tác tại tỉnh Đắk Nông), bao gồm: Bác sĩ có trình độ sau đại học, bác sĩ tốt nghiệp loại khá trở lên, bác sĩ tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá (áp dụng đối với bác sĩ công tác tại địa bàn huyện Tuy Đức và huyện Đắk Glong) đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Sau khi được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho hưởng chính sách thu hút thì ngoài lương và các chế độ khác theo quy định hiện hành của nhà nước, các đối tượng được hỗ trợ một lần. Bác sĩ có trình độ sau đại học: Tiến sĩ, chuyên khoa II: 400.000.000 đồng/người; Thạc sĩ, chuyên khoa I và bác sĩ nội trú: 370.000.000 đồng/người. Bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi: 350.000.000 đồng/người. Bác sĩ tốt nghiệp loại khá: 300.000.000 đồng/người. Bác sĩ tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá: 200.000.000 đồng/người.
Đối với các bác sĩ về công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập huyện Tuy Đức, huyện Đắk Glong, Trung tâm Pháp Y tỉnh, công tác ở bộ phận, lĩnh vực tâm thần, ngoài được hỗ trợ theo mức tương ứng được quy định điểm a,b,c,d khoản 3 Điều này còn được hỗ trợ thêm như sau: Bác sĩ tốt nghiệp loại khá: 40.000.000 đồng/người; Bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi: 50.000.000 đồng/người; Bác sĩ có trình độ sau đại học: 60.000.000 đồng/người.
Chính sách đãi ngộ đối với các đối tượng là bác sĩ có trình độ đại học, sau đại học đang làm công tác khám chữa bệnh, dự phòng ở các khoa chuyên môn, trạm y tế và bộ phận kế hoạch - nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh; Viên chức có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y đang làm công tác khám chữa bệnh, dự phòng ở các khoa chuyên môn, trạm y tế thuộc các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Các đối tượng này ngoài lương và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được hưởng chính sách đãi ngộ hàng tháng với mức như từ 900.000 đồng/người/tháng đến 1.100.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ đại học; từ 1.000.000 đồng/người/tháng đến 1.200.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ chuyên khoa I và tương đương; từ 1.100.000 đồng/người/tháng đến 1.300.000 đồng/người/tháng đối với bác sĩ có trình độ chuyên khoa II và tương đương; từ 300.000 đồng/người/tháng đến 500.000 đồng/người/tháng đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ đại học; từ 400.000 đồng/người/tháng đến 600.000 đồng/người/tháng đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ sau đại học (chuyên khoa I và tương đương).
|
Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế phường Nghĩa Tân |
Chính sách đào tạo đối với các đối tượng là các bác sĩ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Đắk Nông có nhu cầu đào tạo phù hợp phát triển nguồn nhân lực của đơn vị và được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo. Các đối tượng này được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo được chi trả học phí và thanh toán các chế độ, các mức hỗ trợ theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND, ngày 19/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các văn bản quy định hiện hành. Kinh phí đào tạo theo chính sách này do ngân sách nhà nước địa phương đảm bảo theo quy định của pháp luật (không bao gồm kinh phí đào tạo hàng năm được phân bổ theo định mức tại Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 15/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Đắk Nông năm 2022).
Đối với các chính sách nêu trên, dự kiến giai đoạn 05 năm 2024-2028 tỉnh sẽ thu hút 67 bác sĩ: 01 bác sĩ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ; 04 bác sĩ chuyên khoa I hoặc thạc sĩ hoặc bác sĩ nội trú; 15 bác sĩ giỏi; 47 bác sĩ loại khá; đãi ngộ khoảng 2.165 lượt; đào tạo 150 bác sĩ (trong đó 125 chuyên khoa I, 25 chuyên khoa II). Về kinh phí, tổng hợp 03 chính sách giai đoạn 2024-2028 dự kiến là 72.086.000.000/5 năm, trong đó chính sách thu hút là 28.930.000.000 đồng, chính sách đãi ngộ là 27.367.000.000 đồng, chính sách đào tạo là 15.750.000.000 đồng. Trong quá trình thực hiện, xét thấy chính sách phát huy được hiệu quả và ngân sách tỉnh đáp ứng được thì sẽ thực hiện lâu dài, trường hợp chính sách không hiệu quả, nguồn ngân sách địa phương không đáp ứng được hoặc trùng với các chính sách của Trung ương quy định thì khi đó cơ quan tham mưu sẽ chủ động tham mưu xử lý (thay thế, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ).
Minh Huyền