Tỉnh Đắk Nông Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề của tỉnh. Công tác giáo dục nghề nghiệp ngày càng được quan tâm; ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên khi tham gia vào các trình độ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu lao động qua đào tạo còn bất hợp lý, chưa phù hợp với nhu cầu chung của thị trường lao động, đặc biệt là chưa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp chủ yếu từ ngân sách trung ương, chưa đáp ứng được nhu cầu địa phương. Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nguyên nhân những hạn chế do, Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm sâu sát, kịp thời về công tác giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức của xã hội, người dân về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, tâm lý chạy theo bằng cấp vẫn còn phổ biến. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu chủ động sáng tạo trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có tâm lý trông chờ vào chính quyền địa phương các cấp. Công tác tư vấn học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau học nghề chưa được chú trọng đúng mức; các học viên sau khi học nghề chủ yếu tự tạo việc làm, chưa thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động.
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ toàn diện hơn trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh cần đặt ra một số mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp như sau.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 35 - 40% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 40% lực lượng lao động; phấn đấu Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đạt trường chất lượng cao và bước đầu tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành nghề có năng lực cạnh tranh trong nước về chất lượng đào tạo. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Để phát huy tiềm năng thế mạnh nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau.
Một là, Tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Huy động sự tham gia của xã hội, ưu tiên ngân sách Nhà nước trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện thành công một trong các khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề, trình độ kỹ thuật cao.
Hai là, Rà soát, hoàn thiện và triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người chấp hành xong hình phạt tù, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Ba là, Tích hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước.
Bốn là, Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến. Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.
Năm là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tống Hằng