UBND tỉnh tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 23/5, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030.
Đồng chí: Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ; các uỷ viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại hai cấp tỉnh và huyện.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông được giao tổng nguồn vốn hơn 1.585 tỷ đồng, gồm 1.081 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và phần còn lại là vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nguồn lực này được triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án thành phần, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như: quy hoạch sắp xếp dân cư, phát triển sinh kế, hạ tầng, y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa, chuyển đổi số...
Qua hơn 4 năm triển khai, cùng với các chương trình, chính sách liên quan đã và đang triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo ra chuyển biến căn bản về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư; sinh kế của người dân từng bước được hình thành; giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều tiến bộ. Nhiều mô hình giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp, khởi nghiệp địa phương đã chứng minh hiệu quả thiết thực.
Chương trình đã hỗ trợ đất ở cho 422 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 121 hộ; hỗ trợ nhà ở 422 hộ; giải quyết sinh kế chuyển đổi nghề cho 736 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.612 hộ. Đầu tư hoàn thành 94 công trình giao thông (159,9 km đường).
Trên lĩnh vực giáo dục, Chương trình đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8 Trường phổ thông dân tộc nội trú; tổ chức 43 lớp học xóa mù chữ cho 1.098 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.677 người…
Chương trình cũng đặc biệt chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Cụ thể, có 2.397 thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 973 phụ nữ có thai được tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 1.285 trẻ em sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật sơ sinh tại cơ sở y tế tuyến cơ sở; 17.918 người cao tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi được khám và tư vấn sức khỏe.
Chương trình đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS, cải thiện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của người dân; nhiều mô hình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và khởi nghiệp tại địa phương đã chứng minh hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh những chuyển biến rõ nét, thực chất, việc triển khai một số dự án của Chương trình chưa sát với thực tiễn địa phương. Quá trình lựa chọn danh mục dự án đầu tư chưa đảm bảo khả thi, chưa phù hợp với các quy hoạch, dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp; tiến độ giải ngân ở một số nội dung chậm so với kế hoạch…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đến năm 2030, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc, đảm bảo công bằng, và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, sau hơn 4 năm triển khai, chương trình đã mang lại những chuyển biến rõ rệt, toàn diện trong đời sống đồng bào DTTS. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư đồng bộ; sinh kế cho người dân từng bước được củng cố; chất lượng giáo dục, y tế và văn hóa không ngừng được nâng cao. Nhiều mô hình giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp và khởi nghiệp tại địa phương đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Dân tộc và Tôn giáo, các ngành, các cấp, các địa phương chủ động chuẩn bị các thông tin, dữ liệu, điều kiện cần thiết để tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với đặc thù địa phương, gắn với các nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Trong thời gian còn lại của năm 2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đề ra trong năm 2025.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.

Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025

Trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 tập thể, 01 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025
Huệ Linh