Phương án sáp nhập Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận: mở ra nhiều cơ hội phát triển cho khu vực Nam Tây Nguyên
Tục ngữ có câu: “Một cây làm chằng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu tục ngữ mượn hình ảnh cây, núi quen thuộc để nói về sự đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh, có nghĩa là một cây không thể làm nên sức mạnh nhưng ba cây - số nhiều thì sẽ tạo thành núi vững chắc, kiên cố. Ở ngữ cảnh của nội dung này chúng ta mượn câu tục ngữ để liên tưởng khi ba tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận hợp thành một tỉnh, chắc chắn sẽ trở thành một địa phương cấp tỉnh có tiềm lực vô cùng to lớn.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg, ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký ban hành. Theo đó tỉnh mới Lâm Đồng sau khi hợp nhất sẽ có diện tích tự nhiên và quy mô dân số gồm: tỉnh Lâm Đồng diện tích tự nhiên là 9.781,20 km2, quy mô dân số là 1.595.597 người; tỉnh Bình Thuận diện tích tự nhiên là 7.942,60 km2, quy mô dân số là 1.531.253 người và tỉnh Đắk Nông diện tích tự nhiên là 6.509,27 km2, quy mô dân số là 746.149 người. Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2 (là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước); quy mô dân số là 3.872.999 người.
Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận là 3 tỉnh có vị trí địa lý liền kề. Thực tế, trong quá trình hình thành, phát triển 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông như hiện nay, có thời điểm, một phần diện tích của từng tỉnh cũng đã có sự giao thoa, sáp nhập. Trong đó Đắk Nông và Lâm Đồng có nhiều điểm tương đồng về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa..., nhất là Đắk Nông và Lâm Đồng có thế mạnh về tài nguyên, hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, dịch vụ, du lịch và chăn nuôi. Còn vùng đất Duyên hải Nam Trung bộ Bình Thuận có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; nguồn lực vững chắc để phát triển chuyên sâu các ngành như kinh tế biển. Với tiềm năng tự nhiên và phong phú của vùng đất Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, một khi được liên kết thành thực thể địa lý hành chính thống nhất, sẽ tạo lợi thế tổng lực khai thác hiệu quả tài nguyên; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, hấp dẫn. Đặc biệt với việc sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh có biển, còn có cả một đặc khu (đó là đảo Phú Quý, hiện thuộc tỉnh Bình Thuận). Trong khi đó, từ một tỉnh ven biển, sáp nhập với Lâm Đồng, Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng không gian phát triển khi tỉnh Đắk Nông đang sở hữu hệ sinh thái phong phú, đa dạng nhất nhì khu vực Tây Nguyên với những dòng thác xen lẫn núi đồi, thung lũng và rừng nguyên sinh. Đắk Nông có Vườn Quốc gia Tà Đùng, hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông. Đắk Nông với Lâm Đồng là 2 tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước, trong khi Bình Thuận, nơi có nhiều mỏ ti tan cũng sẽ tạo nên sự thuận lợi trong chuỗi liên kết phát triển ngành khai thác khoáng sản và luyện nhôm.
Ngoài ra khi sáp nhập, còn kéo theo nhiều ngành nghề khác cùng vươn ra biển lớn, như hồ tiêu, cà phê, ca cao và các loại trái cây khác sẽ về các KCN của Bình Thuận một cách dễ dàng để chế biến xuất khẩu... phương án sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận không chỉ để tạo ra một địa phương mới có biển, mà có nhiều ý nghĩa quan trọng, tạo nhiều ưu thế kết nối và mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực nam Tây Nguyên. Đặc biệt, Chính phủ xác định phát triển trung tâm công nghiệp về quặng nhôm quốc gia tại Đắk Nông, nhìn xa hơn nếu kết nối mở rộng hành lang với các tỉnh đông bắc Campuchia về vùng biển Bình Thuận sẽ tạo điều kiện cho người dân Campuchia dễ dàng đi du lịch biển và giao thương hàng hóa, tạo điều kiện để Việt Nam và các nước Đông Dương liên kết chặt chẽ với nhau nhiều hơn.
Hiện nay việc sát nhập tỉnh không chỉ là bài toán hành chính mà là chiến lược phát triển vùng trong thời đại mới, hướng tới mục đích là mở rộng không gian phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng sức cạnh tranh. Sáp nhập tỉnh sẽ tăng cường nguồn lực phát triển. Khi hai hay ba tỉnh được hợp nhất, nguồn ngân sách địa phương có thể được phân bổ hiệu quả hơn, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và các ngành kinh tế mũi nhọn. Sáp nhập tỉnh sẽ tận dụng tốt hơn lợi thế vùng miền. Sáp nhập tỉnh sẽ giảm được bộ máy hành chính, tăng hiệu quả quản lý. Một tỉnh lớn hơn đồng nghĩa với việc có thể tinh gọn bộ máy, giảm chi phí vận hành hành chính và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Sáp nhập tỉnh cũng sẽ nâng cao vị thế của tỉnh mới. Một tỉnh có quy mô lớn hơn sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trên bản đồ kinh tế-chính trị, thu hút đầu tư tốt hơn và có tiếng nói quan trọng hơn trong chiến lược phát triển vùng và quốc gia. Do đó việc sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận thành 1 tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng là cơ hội lớn để cả 3 địa phương cùng phát triển.
Cảnh Phương