Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Xây dựng văn hóa công vụ góp phần giúp cán bộ, công chức nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình đối với xã hội, đối với nhân dân; hình thành thái độ, lòng yêu nghề, niềm tự hào về nghề nghiệp, từ đó có ý thức làm việc tốt, tận tụy với công việc, có hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với nhân dân, với đồng nghiệp. Văn hóa công vụ cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, giúp cho hoạt động quản lý của cơ quan được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại.
Văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị, chuẩn mực đạo đức, các quy tắc giao tiếp ứng xử, của cán bộ, công chức, các phương thức, cách thức quản lý gắn với việc kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, tạo nên những đặc trưng trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước.
Văn hóa công vụ được xây dựng trên nền tảng những quan niệm về giá trị của văn hóa và giá trị cơ bản của hoạt động công vụ. Văn hóa công vụ đồng thời chịu ảnh hưởng bởi nét văn hóa chung của dân tộc và đặc điểm riêng của từng địa bàn lãnh thổ, đồng thời trong mỗi cơ quan cũng có thể có những nét văn hóa riêng của cơ quan đó và mỗi một thành viên lại có những phương thức làm việc riêng, tạo nét văn hóa riêng của mỗi cá nhân trong thực thi công vụ.
Văn hóa công vụ gồm các nội dung sau:
Các giá trị cốt lõi, ngầm định (giá trị tinh thần). Đây là các giá trị vô hình, ngầm định ăn sâu vào tiềm thức mỗi cá nhân và tạo thành nét chung trong tập thể tổ chức, bao gồm lý tưởng, niềm tin; các giá trị đạo đức, triết lý; các giá trị văn hóa truyền thống; những suy nghĩ, cảm xúc, động cơ hành động.
Những ngầm định này tạo nên nền tảng giá trị, chất kết dính các thành viên trong tổ chức; có ý nghĩa hướng dẫn hành vi, định hướng cách suy nghĩ, nhận thức, cách hành động của mỗi cán bộ, công chức.
Các giá trị văn hóa hữu hình (giá trị vật chất). Những giá trị này có thể dễ dàng được nhận biết và diễn đạt một cách rõ ràng, qua thời gian được xây dựng và áp dụng dần trở thành thông lệ, thành quy tắc ứng xử chung mà mọi thành viên trong tổ chức đều tuân theo, bao gồm:
Các văn bản về chiến lược, tầm nhìn, sứ mạng; các chuẩn mực, quy tắc, quy định, thủ tục, quy trình, cách thức tổ chức hoạt động, phương thức điều hành, giải quyết, phối hợp, đánh giá kết quả công việc;
Phong cách, tác phong lãnh đạo, quản lý;
Hệ thống cam kết, biểu tượng, khẩu hiệu, phương châm hành động;
Thái độ, hành vi ứng xử, giao tiếp của những người thực thi công vụ; trang phục; các nghi thức, lễ tân (bắt tay, chào hỏi …);
Cách bài trí công sở, trang thiết bị, cảnh quan môi trường, kiểu kiến trúc đặc trưng …
Chủ thể của văn hóa công vụ là con người công vụ, tổ chức công vụ. Các giá trị công vụ thể hiện bản chất của các hoạt động công vụ của các chủ thể trong quá trình thực thi công vụ. Chính trong thực tiễn công vụ, các chủ thể tạo cho mình hệ thống các giá trị văn hóa công vụ, tạo nên đặc trưng, văn hóa công vụ của mình.
Xét từ khía cạnh này, cấu trúc của văn hóa công vụ gồm văn hóa công vụ cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm văn hóa của người lãnh đạo, quản lý và văn hóa của người thực thi, thừa hành) và văn hóa công vụ của tổ chức.
Xây dựng văn hóa công vụ là quá trình tác động có ý thức để tạo dựng hoặc cải biến văn hóa công vụ thông qua việc xác định các giá trị cần đề cao, gây dựng niềm tin vào những giá trị đó, hướng các thành viên trong tổ chức tới những lý tưởng, những chuẩn mực như mong muốn. Nó là một quá trình đòi hỏi sự tác động tích cực của người lãnh đạo và các thành viên của cơ quan tổ chức đề phòng, chống và loại bỏ những tiêu cực, suy đồi; duy trì và phát triển những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần phù hợp, tốt đẹp và tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới phù hợp với sự tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.
Mục đích của xây dựng, phát triển văn hóa công vụ là góp phần hình thành lối sống tích cực, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhằm giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội; tác động tốt đến môi trường công vụ, nuôi dưỡng sự phát triển của cá nhân và tổ chức, tạo động lực, cộng hưởng, đồng lòng, sáng tạo và cống hiến của các thành viên, tạo được bản sắc, dấu ấn tích cực của tổ chức trong hệ thống công vụ.
Vấn đề kế thừa, xây dựng và phát triển văn hóa công vụ phải được đưa lên hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính lâu dài của các cấp, các ngành từ Trung ương tưới đại phương, đặc biệt đây là trách nhiệm của người đứng đầu nhằm góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân; làm sao cho văn hóa thẩm thấu vào nền công vụ, làm cho nền công vụ sáng ra với triết lý minh định, tầm nhìn xuyên suốt, hệ thống giá trị được chia sẻ và tôn vinh, cách nhìn nhận, đánh giá về thực thi công vụ được đồng thuận và chấp nhận, tạo nền tảng để đẩy nhanh quá trình phát triển, hội nhập của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước, vai trò của văn hóa công vụ là hết sức quan trọng, thể hiện qua cung cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong nội bộ đơn vị và với các tổ chức, công dân bên ngoài. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước, tới tiến trình cải cách hành chính.
Xây dựng và phát triển văn hóa công vụ hướng tới các mục đích thiết thực trong hoạt động công vụ trong bối cảnh hiện nay, thể hiện ở những điểm sau:
Xây dựng văn hóa công vụ giúp cán bộ, công chức, viên chức thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc, xây dựng và rèn luyện lề lối, nề nếp làm việc khoa học, có trật tự kỷ cương, tuân theo những nội quy, quy định chung nhưng không mất đi tính dân chủ, tính nhân văn.
Văn hóa công vụ chính là thước đo sự văn minh của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, hay nói khác đi nó phản ánh sự nhận thức cũng như ý thức của mỗi cá nhân trong hoạt động công vụ. Văn hóa công vụ là biểu hiện hình ảnh của mỗi một nền hành chính hiện đại, văn minh mang tính phục vụ cao đối với nhân dân và toàn xã hội. Nó có ý nghĩa lâu dài, mang những giá trị đạo đức đã được công nhận trong những hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định, luôn được kế thùa, bổ sung, phát triển và loại bỏ.
Văn hóa công vụ góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong nội bộ tổ chức và tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh, tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết nhất trí của cả tập thể. Văn hóa là chất keo gắn kết các thành viên của tổ chức, giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hóa chính là yếu tố giúp mọi người hòa đồng và thống nhất.
Xây dựng văn hóa công vụ chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Từ đó tạo bầu không khí cởi mở giúp cán bộ, công chức, viên chức hứng khởi làm việc đưa chất lượng và hiệu quả công việc lên cao, tạo sự khác biệt trong hoạt quản lý hay dịch vụ. Hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp tổ chức công cạnh tranh tốt với các chủ thể khác, nhất là trong thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công.
Về ý nghĩa của xây dựng, phát triển văn hóa công vụ của người lãnh đạo quản lý nói chung và của lãnh đạo, quản lý cấp sở.
Văn hóa công vụ của cơ quan, đơn vị không phải là bất biến mà luôn biến đổi theo tiến trình phát triển lịch sử, bị ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố từ chủ trương lãnh đạo tới cơ chế vận hành và điều kiện hoạt động… Văn hóa công vụ cũng thường có những sự thay đổi để thích ứng với: lãnh đạo mới, hệ thống nguyên tắc vận hành mới, công nghệ thực thi công vụ mới… Sự thay đổi lãnh đạo cũng dễ dẫn đến thay đổi văn hóa tổ chức, đơn vị. Văn hóa của một tổ chức công, về cơ bản, chịu ảnh hưởng từ văn hóa của người lãnh đạo. Hệ thống những giá trị văn hóa của một tổ chức công có thể bị tác động và thay đổi bởi ý chí và phong cách của người lãnh đạo. Trong khi đó, thực tế lãnh đạo của các tổ chức, đơn vị công được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ. Sự thay đổi người đứng đầu, người lãnh đạo với những ý chí mới, phong cách lãnh đạo mới có khả năng đem đến những giá trị mới hoặc hạn chế và làm thay đổi, thậm chí làm biến mất những giá trị mang tính truyền thống của một tổ chức. Điều này cho thấy yếu tố ảnh hưởng từ cá nhân người lãnh đạo đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa của lãnh đạo, quản lý cấp sở trong hoạt động công vụ là một vấn đề trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển của cơ quan, đơn vị.
Thủy Tiên