Các giải pháp cần tập trung thực hiện cho công tác giảm nghèo bền vững đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới
Nhiều năm gần đây, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, các địa phương đã coi trọng đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo gắn liền thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiều địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân. Thực tiễn đang đặt ra những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, giải pháp khoa học, đồng bộ hơn trong phát triển vùng ĐBDTTS.
Trong những năm tới, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh; tập trung chủ yếu ở các “lõi nghèo ” là vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiên kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Tuy Đức, Đắk Glong. Khả năng thoát nghèo của hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thấp hơn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số khác.
Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất, giữa nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với các nhóm hộ dân tộc thiểu số khác, giữa khu vực nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng.
Nguy cơ tái nghèo, nghèo mới có nguy cơ tăng do trình độ dân trí, phong tục tập quán và thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động của hội nhập, cơ hội của người nghèo về việc làm ngày càng khó khăn hơn do đổi mới khoa học, công nghệ.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thời gian đến cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp đó là:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về chủ trương thực hiện công tác giảm nghèo bền vững để mọi người tự giác tham gia.
Tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, khơi dậy ý chí thoát nghèo, chủ động phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc cùng với các tổ chức thành viên triển khai tốt công tác tuyên truyền đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào, các cuộc vận động để giảm nghèo nhanh, bền vững. Phát huy vai trò của người có uy tín, người cốt cán ở cơ sở, già làng, trưởng bon, dòng họ, hộ gia đình làm ăn giàu có trong công tác tuyên truyền, tham quan, học tập, nêu gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc tại chỗ, nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tập quán sinh hoạt để tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong công tác giảm nghèo bền vững.
Ban hành chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng về công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tỉnh để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người nghèo. Vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ tự nguyện tham gia xây dựng các mô hình sản xuất tập thể, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống một cách tiến bộ, có hiệu quả.
Ba là, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hô trợ có mục tiêu trên địa bàn, đồng thời tăng cường ngân sách địa phương cân đối để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo.
Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận hỗ trợ, giúp đỡ xã nghèo, tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình kết nghĩa, đỡ đầu giúp các buôn, bon, xã thực hiện công tác giảm nghèo một cách bền vững. Quy hoạch và bố trí ổn định dân cư để tập trung đầu tư, hỗ trợ nguồn lực hiệu quả. Ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những vùng, địa bàn, nhóm dân cư còn khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đối với các xã, bon, buôn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, bon, buôn trọng điểm và các công trình thủy lợi nhỏ ở những vùng sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo nghề tạo việc làm; thực hiện các mô hình hướng dân chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chô.
Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phối hợp doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu và có địa chỉ, nhận lao động thuộc hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm việc để tăng thu nhập. Tổ chức các hoạt động hướng dẫn cách làm ăn, kế hoạch sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho cho người dân thuộc hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng sâu, vùng khó khăn để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn thông qua hoạt động tham quan mô hình, điểm trình diễn tại địa phương, ruộng vườn, chuồng trại; giảng dạy bằng trực quan, cầm tay chỉ việc, trao đổi 2 chiều tại lớp tập huấn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm là, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo chung, ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh
Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ các chương trình, chính sách của Trung ương và đặc biệt Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo điều kiện giúp cho người dân tộc nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng kịp thời và đúng thời vụ để phát triển sản xuất, tránh trường hợp cầm cố vay lãi, tín dụng đen. Thực hiện tốt chính sách “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo ”.
Sáu là, thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Các cấp ủy đảng, đoàn thể quần chúng phân công, giao nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của mình giúp đỡ hộ nghèo thuộc tổ chức mình phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, gắn nội dung này vào công tác xếp loại thi đua hàng năm của các cấp, ngành. Các đợt điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm cần nắm chắc các thông số về tình hình và nguyên nhân hộ tái nghèo, nghèo mới, hộ thoát nghèo nhằm có những giải pháp hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phù hợp với chuyên môn của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lệch lạc trên tinh thần công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.
Văn Bá