Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân
Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số. Chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tỉnh Đắk Nông có hơn 212.650 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn tỉnh; trong đó có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ (Mnông, Mạ, Ê Đê) với hơn 69.750 người, chiếm tỷ lệ 32,8% đồng bào dân tộc thiểu sốc của tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở nông thôn, vùng sâu; sống tập trung theo buôn, bon, bản.
.jpg)
Bàn giao công trình nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông (Ảnh:Internet)
Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.
Xác định mục tiêu ngay từ nhiệm kỳ là phải triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả các nhiệm vụ của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc thực hiện các nhiệm vụ như Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” đến năm 2025; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn II)…
Trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, bên cạnh các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành những chính sách đặc thù của địa phương, nhất là các chính sách về giảm nghèo. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng cao.
Đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Đắk Nông. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban Chỉ đạo; ban hành các kế hoạch thực hiện các dự án thành phần, nhu cầu đầu tư gửi các bộ, ngành theo yêu cầu; đăng ký nhu cầu nguồn vốn năm 2022; hoàn thành hồ sơ dự thảo, đang chờ thông qua cuộc họp thành viên UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4 (tháng 7/2022); quy định về cơ chế phân cấp quản lý thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2022…
Những năm qua, công tác giảm nghèo được tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhờ đó hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo luôn giảm sâu. Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 19,26%, đến năm 2022 giảm xuống còn 7,97%. Trong đó, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,55%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,45%.
Toàn tỉnh hiện có 295 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người có uy tín luôn phát huy tốt vai trò trong việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đặc biệt, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác, chống mọi âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, sử dụng người có uy tín trong cộng đồng, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc cũng được nâng cao, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng góp sức cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu để quấy rối, vượt biên trái phép, làm mất ổn định an ninh trật tự ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Trong công tác kết nghĩa được tăng cường, qua đó, công tác nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các bon, buôn được giao các đơn vị kết nghĩa, đồng thời, thường xuyên tuyên truyền vận động thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã chú trọng công tác tạo nguồn, đưa vào quy hoạch và bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đây chính là những nhân tố quan trọng, là đầu mối để chuyển tải tất cả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với quần chúng Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt với Đề án 03-ĐA/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương
Năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký ban hành kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tỉnh trong thời kỳ mới, Theo đó, chú trọng tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các vị trí còn thiếu của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt được nhiều kết quả, nhất là văn hóa cồng chiêng. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số được duy trì, tổ chức hằng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chung sức, chung lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 3% trở lên, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5% trở lên; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 tăng trên 1,5 lần so với cuối năm 2020; tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Từ thực tế trên, việc tiếp tục xác định đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc và vấn đề đoàn kết dân tộc trong hiện tại cũng như lâu dài là điều hết sức cần thiết, thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm công bằng xã hội, đoàn kết dân tộc, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được ưu tiên nguồn lực để xây dựng, thực hiện. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm điều kiện, cơ hội phát huy nội lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm phát triển bền vững.
Cẩm Trang