Công tác nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh - Thực trạng và giải pháp
Từ năm 2021 đến nay, sau khi Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình số 26-CTr/TU) được ban hành, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã tích cực phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng Nhân dân về các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả.
Đối với công tác tổ chức các hoạt động truyền thông về nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình số 26-CTr/TU, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Chương trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên địa bàn, tăng cường sử dụng các hình thức thông tin, tuyên truyền trực quan, xây dựng chương trình, chuyên mục tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, như: các chương trình, dự án giảm nghèo vùng đồng bào DTTS; tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì và tăng cường chất lượng nội dung các chương trình, chuyên mục, chuyên trang như: “Chương trình Tiếng M’nông”, chương trình “Hạnh phúc một con đường”, các chuyên mục: “Thanh niên”, “Dân tộc phát triển”, “Phụ nữ và cuộc sống”, “Sắc màu văn hóa”, “Đắk Nông đất và người”, Báo ảnh phục vụ đồng bào DTTS...
Kết quả thực hiện mục tiêu về giảm nghèo, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo quy định tại Nghị định số 07/NĐ- CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; năm 2021, toàn tỉnh có 18.290 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,19% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông có 13.342 hộ nghèo (giảm 4.948 hộ so với năm 2021), chiếm tỷ lệ 7,97% (giảm 3,22% so với năm 2021) trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó: năm 2021, hộ nghèo đồng bào DTTS chung là 12.789 hộ, chiếm tỷ lệ 27,98% trên tổng số hộ DTTS chung; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 5.187 hộ, chiếm tỷ lệ 32,81% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ. Đến cuối năm 2022, hộ nghèo đồng bào DTTS chung là 9.589 hộ, chiếm tỷ lệ 20,11% trên tổng số hộ DTTS chung; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 3.892 hộ (giảm 1.295 hộ so với năm 2021), chiếm tỷ lệ 24,56% (giảm 8,25% so với năm 2021) trên tổng số hộ DTTS tại chỗ. Như vậy, kết quả đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra[1]. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đến cuối năm 2022 đều giảm, trong đó huyện Đắk Giong tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,31%, từ 39,99% xuống còn 25,68%, vượt chỉ tiêu đề ra số hộ nghèo giảm được 2.145 hộ, từ 6.690 hộ xuống còn 4.545 hộ so với năm 2021; huyện Tuy Đức, tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,42%, từ 45,20% xuống còn 30,78% vượt chỉ tiêu đề ra; số hộ nghèo giảm 1.340 hộ, từ 5.964 hộ xuống còn 5.624 hộ so với năm 2021.
Bằng nhiều chính sách, các giải pháp, bằng sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình 26 đạt những kết quả nổi bật.
Thực hiện mục tiêu giải quyết cơ bản các vấn đề về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, nước sạch, điện sinh hoạt của các hộ DTTS, hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), các thôn, bản ĐBKK các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, thực hiện. Từ đầu năm 2021 đến nay có khoảng 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Từ nguồn lực thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 18 hộ với tổng kinh phí là 792 triệu đồng; các ngành, địa phương đang phối hợp xây dựng Kế hoạch hỗ trợ 26 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Đắk R’lấp và huyện Krông Nô. Huy động nguồn lực đầu tư các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn các thôn, bon, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, tỉnh đã thực hiện lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (vay vốn Ngân hàng thế giới WB), trong đó: hỗ trợ đầu tư xây dựng 03 công trình cấp nước nông thôn tại huyện Đắk Mil, huyện Tuy Đức, huyện Krông Nô). Kết quả hiện có khoảng 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Tỉnh đã triển khai cụ thể hóa “Đề án bố trí ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1740/QĐ-UBND, ngày 28/10/2022 của UBND tỉnh nhằm quy hoạch và sắp xếp lại dân cư, nhất là đối với các hộ dân sinh sống tại các bìa rừng, đất phòng hộ ... ở các khu vực có khả năng nguy cơ cao xảy ra tình trạng lũ quét, ngập nước, sạt lở đất; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự do ngoài kế hoạch. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Đắk Nông được đầu tư 04 dự án bố trí ổn định dân cư[2].
Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ dân, góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Các đơn vị, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đào tạo nghề miễn phí và nhận lao động thuộc hộ nghèo đồng bào DTTS vào làm việc để tăng thu nhập. Từ năm 2021 đến nay, có 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; có khoảng 1.800 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; khoảng 200 lao động tại các xã thuộc huyện nghèo, xã ĐBKK được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 20 lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thu các kênh phát thanh, truyền hình kỹ thuật số, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như mở các lớp tập huấn bảo tồn dân ca, truyền dạy kỹ năng làm nghề, tổ chức các Lễ hội, Liên hoan dân ca các dân tộc góp phần lớn vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quán triệt, tuyên truyền để mỗi cán bộ và Nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của địa bàn DTTS và chính sách dân tộc nhất quán của Đảng, Nhà nước, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách đối với sự phát triển của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông, Tạp chí Nâm Nung, cổng Thông tin điện tử tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép trên 1000 tin, bài, chương trình, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về: Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Ước khoảng 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 30% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã ĐBKK được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông. Các đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức tuyên truyền, lắp đặt panô tuyên truyền phong trào “Đắk Nông chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021 và năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cử 791 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng về phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS. Triển khai Đề án 03-ĐA/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy về tạo nguồn cán bộ nữ, trẻ, DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, toàn tỉnh hiện có 15 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được phê duyệt vào danh sách cán bộ tạo nguồn năm 2022, 2023.
Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trong việc vận động, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ, hiện có 29 đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa, hỗ trợ các bon, buôn ĐBKK. Hiện toàn tỉnh có tổng số 309 người có uy tín trong đồng bào DTTS được công nhận. Hằng năm, tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán; thực hiện đặt và cấp phát Báo Đắk Nông, Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín; thực hiện thăm viếng đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS qua đời.
Những kết quả trên cho thấy, trong những năm qua cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát của Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương quan tâm, tạo điều kiện đầu tư thông qua các chương trình, chính sách và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS trong tỉnh, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố, tuyệt đại đa số Nhân dân các dân tộc tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Các chương trình chính sách giảm nghèo của Trung ương và các chính sách đặc thù của địa phương đối với đồng bào DTTS đã rất phù hợp, công tác giảm nghèo bền vững cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, triển khai đúng chế độ, đúng đối tượng. Cuộc sống của các hộ đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện một cách rõ rệt, đa số các hộ đồng bào DTTS đã có ý thức tự vươn lên phát triển sản xuất kinh tế, làm giàu chính đáng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian quan vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế như: công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận trong đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên; số hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, nhiều hộ DTTS thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai còn chậm, nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển; một số vấn đề bức xúc như thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt giải quyết chưa hiệu quả; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm; đào tạo nghề nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất - tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng các cấp cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản chi đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và có cơ chế thực hiện lồng ghép hiệu quả 03 Chương trình MTQG: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững và nông thôn mới.
Hai là, việc triển khai, thực hiện Chương trình phải có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bon, buôn ĐBKK; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất; hỗ trợ trực tiếp đến các hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn, bon, buôn ĐBKK.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc; tuyên truyền việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản vãn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS (tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, lễ hội của các DTTS...) gắn với phát triển du lịch, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Bốn là, thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của các DTTS; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của các DTTS; bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các DTTS, xây dựng, nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.
Năm là, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại địa phương; chú trọng kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện; đồng thời, nhân rộng và khen thưởng mô hình mới, cách làm hiệu quả.
Sáu là, huy động, bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh, chương trình, dự án đầu tư phát triển, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các buôn, bon có đông đồng bào DTTS và thực hiện tốt công tác kêu gọi, thu hút các nguồn vốn để đầu tư cho các bon, buôn đã được quy hoạch. Trước mắt cần ưu tiên vốn đầu tư cho các bon, buôn chưa được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo cao và trọng điểm về an ninh trật tự.
Phạm Lục
[1] Phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
[2] 04 dự án: Dự án đường giao thông từ thôn M’rang đi bon Mê Ra, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức; Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Cư Nia và xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, tinh Đắk Nông; Dự án bố trí dân cư vùng lũ xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tinh Đắk Nông.