Khơi dậy nội lực, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống, với 677.616 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 215.048 người, chiếm tỉ lệ 31,73% tổng dân số toàn tỉnh; có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: M’Nông, Mạ và Ê Đê với 74.901 người, chiếm tỉ lệ 11,05% dân số toàn tỉnh.
Thời gian qua cùng với việc thực hiện các chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để thực hiện một số chính sách liên quan đến đồng bào DTTS, như chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông... Các chính sách đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận lớn trong Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của người dân. Tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân mỗi năm giảm từ 2-3%. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân dược cải thiện tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được đảm bảo, đoàn kết các dân tộc được củng cố. Bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn một số hạn chế đó là: Số hộ nghèo là đồng bào DTTS còn cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, giảm nghèo chưa thực sự bền vững; việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, hiệu quả chưa cao, vốn đầu tư còn dàn trải; đào tạo nghề cho lao động là DTTS chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước và các đoàn thể, chưa có ý chí vươn lên để thoát nghèo.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”. Để làm được điều đó là tỉnh có đông đồng bào DTTS, chúng ta cần khơi dậy nội lực, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS để biến mục tiêu và khát vọng trở thành hện thực.
Nội lực của dân tộc là những nguồn lực nội sinh bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực con người (thể lực, trí lực) và những giá trị vật chất, tinh thần, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ý chí là khả năng, sức mạnh tinh thần to lớn, động lực cổ vũ con người phấn đấu vượt qua những rào cản, khó khăn, thách thức để đạt được mục đích. Khát vọng là sự thôi thúc từ bên trong của mỗi con người, sức mạnh tinh thần để đạt được những mong muốn tốt đẹp. Ý chí và khát vọng có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, góp phần nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao trong họ… Khát vọng chung của nhiều cá nhân trong xã hội tạo thành khát vọng của xã hội, khát vọng của xã hội có tác dụng thúc đẩy mọi cá nhân tham gia thực hiện thành công khát vọng chung của xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định: “Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”. Trong đó đề ra giải pháp: “Ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai có hiệu quả “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bố trí ổn định dân di cư tự do theo Nghị quyết 22/NQ-CP của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển; tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Xử lý nghiêm những âm mưu, hoạt động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc đã trở thành tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là cách thức quan trọng khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có của đồng bào các dân tộc, giúp đồng bào vươn lên mạnh mẽ, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã xác định: “Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải toàn diện hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong quá trình triển khai thực hiện, các chính sách phải được công khai rộng rãi, minh bạch, phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân; sự tham gia tích cực, chủ động của người dân - đối tượng thụ hưởng trực tiếp, thực hiện nghiêm túc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý, giám sát, góp ý, phản biện xã hội. Thực hiện đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS có trọng tâm, trọng điểm, mang tính dài hạn, xóa bỏ dần các chính sách cho không, chuyển sang các chính sách hỗ trợ, cho vay có điều kiện để người dân khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đầu tư phát triển và các hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo, theo hướng sản xuất tập trung, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn cụ thể để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm, thành lập các tổ hợp tác; lựa chọn những sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc, đồng thời phát huy những giá trị kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc trong sản xuất, phát triển sinh kế. Đảm bảo, người dân và cộng đồng sẽ là chủ thể, trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình thực hiện chính sách, được góp ý, đề xuất, lựa chọn và thực hiện; đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng vùng đồng bào DTTS để chính đồng bào là người tự chủ, chủ động lựa chọn giải pháp sinh kế phù hợp cho bản thân, không áp đặt. Huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nơi mà người dân là đoàn viên, hội viện của các đoàn thể; phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để họ trở thành nhũng lá cờ đầu, tuyên truyên viên trong việc thực hiện các chính sách. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá các mô hình đang thực hiện, rút ra các bài học kinh nghiệm, nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, khắc phục tồn tại, hạn chế và nhân rộng đối với các mô hình có hiệu quả cao. Tiếp tục đổi mới và mở rộng chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào DTTS đó là linh hoạt hơn trong cho vay, mở rộng đối tượng và tăng định mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay một cách hợp lý, đồng thời tổ chức các hoạt động hướng nghiệp để đồng bào sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới tư duy trong cách làm ăn, phát triển sinh kế. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào DTTS; có chính sách biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có mô hình hay, cách làm sáng tạo, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS./.
Xuân Sáng