Đắk Nông lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là: Nghị quyết số 09-NQ/TU), với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, tỉnh Đắk Nông xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Được thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, nhận thức về chuyển đổi số của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay 08/08 huyện, thành phố đã triển khai dịch vụ công trực tuyến; 17/18 sở, ban, ngành đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính (TTHC) bằng mã QR-code; hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai tại 18/18 sở, ban, ngành, tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Tổng số TTHC tỉnh Đắk Nông đang triển khai là 1.710 TTHC; 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng và liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đến tháng 4/2024, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện 25/25 TTHC thiết yếu trên cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia, cổng DVC của Bộ Công an.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh từng bước được nâng cấp bảo đảm việc triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh với 34 hệ thống thông tin dùng chung và 33 trang thông tin điện tử tại các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Nền tảng Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh (DakNong IOC) triển khai chính thức từ tháng 11/2022, là hệ thống giám sát, quản lý tập trung phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của UBND tỉnh, bao gồm 11 phân hệ (kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, phản ánh kiến nghị, dịch vụ công, đầu tư công, camera giám sát, doanh nghiệp, du lịch, môi trường, đất đai).
![](/Media/lttang.btg/images/Anh%20b%E1%BA%A3n%20tin%20th%C3%A1ng%206/Picture1.jpg)
Ảnh: Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
nhấn nút khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh.
Về phát triển kinh tế số, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức triển khai các hoạt động để hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, như: cung cấp dịch vụ VNPT SmartCA (dịch vụ ký số từ xa); cung cấp các dịch vụ thiết yếu dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã; cung cấp dịch vụ tổng thể cho hộ kinh doanh cá thể,... toàn tỉnh có 4.277 đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử, đạt 97,53%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 76 cơ sở, với 145 sản phẩm tham gia vào cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, thực hiện ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua mã QR-code,... hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP cho 1.161 sản phẩm nông nghiệp khác; tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%.
Về xã hội số, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành việc thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn (71/71 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 713/713 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bon, tổ dân phố), tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, các tổ dân phố, thôn, bon, bản trên địa bàn tỉnh bước đầu phát huy được hiệu quả theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tham gia môi trường số để trực tiếp thụ hưởng các lợi ích của chuyển đổi số. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, toàn tỉnh đã thu nhận 370.473 hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử, trong đó đã thực hiện kích hoạt 325.002/324.898 tài khoản, đạt 100,3% (vượt 0,03% so với chỉ tiêu của Bộ Công an giao); số lượng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD là 532.823/550.847 người (đạt 96,7%); có 85/85 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ khám, chữa bệnh BHYT…
Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là bộ phận một cửa còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt nhất cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trình độ cán bộ, công chức làm công tác chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Kỹ năng số của một số người dân chưa cao; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến, đọc sách trực tuyến còn thấp; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng…
Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Chuyển đổi số là động lực tạo ra cơ hội, giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm; ưu tiên các cơ sở dữ liệu về dân cư, nông nghiệp, đất đai, giáo dục, y tế, du lịch,... 80% người dân cài đặt và tương tác với chính quyền thông qua ứng dụng dành cho người dân, doanh nghiệp (Đắk Nông-C) và ứng dụng định danh điện tử (VneID) của Bộ Công an. Xây dựng 02 trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp huyện…
Để thực hiện những mục tiêu trên, thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai số hóa các thông tin quản lý của các ngành, lĩnh vực, đưa hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân lên môi trường số; ưu tiên triển khai các công nghệ mới, thiết bị thông minh trong quản lý, điều hành,... hướng đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến và trên ứng dụng di động. Tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng cổng dữ liệu mở tỉnh Đắk Nông (Đắk Nông Data). Kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh thông qua Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Phát huy hiệu quả của ứng dụng dành cho người dân, doanh nghiệp của tỉnh (Đắk Nông-C) và ứng dụng định danh điện tử (VNelD). Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu khác của đời sống.
Tin, bài: Thanh Tùng