Huyện uỷ Đắk Song sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
Đắk Song là huyện biên giới, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Đắk Nông, có 23,194 km đường biên giới giáp huyện Ou Reang và huyện Petchanda, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên của toàn huyện 806,46 km2; dân số 84.053 người, với 25 dân tộc; 09 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, 03 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, 02 xã biên giới; có 03 tôn giáo chính (Công giáo, Phật giáo, Tin lành) với hơn 39.000 tín đồ, chiếm 46% dân số toàn huyện. Đảng bộ huyện có 40 tổ chức cơ sở Đảng, với 2.644 đảng viên (tính đến tháng 30/8/2023).
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU), Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành và triển khai Kế hoạch số 38-KH/HU, ngày 13/9/2021 về tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết chuyên đề và các chương trình của Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, có nội dung quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU; ban hành Chương trình số 11-CTr/HU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh Ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ đạo Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, các tổ chức cơ sở đảng tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn huyện và cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Ngoài ra, chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 17/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/HU, ngày 29/9/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Đắk Song giai đoạn 2021 - 2025.
Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song triển khai Kế hoạch số 312/KH-UBND, ngày 07/12/2021 về phát triển công nghiệp huyện Đắk Song giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 42/KH-UBND, ngày 02/02/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/HU, ngày 29/9/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, tạo kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 230/KH-UBND, ngày 14/9/2021 thực hiện Kế hoạch số 30-KH/HU, ngày 05/8/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản đáp ứng chuỗi liên kết giá trị tăng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp huyện Đắk Song đã có những bước phát triển rõ rệt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ năm 2021 đến nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 12.411,986 tỷ đồng (tăng 10.385,986 tỷ đồng so với năm 2020), tỷ trọng cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 38,1%. Tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ủy ban nhân dân huyện triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trên địa bàn huyện. Qua đó, kêu gọi, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp thực tiễn, thân thiện với môi trường, áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã quan tâm đến việc đầu tư các thiết bị máy mọc hiện đại, tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá (Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông...) đầu tư máy móc dây chuyền đóng gói sản phẩm tiên tiến, hiện đại đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã và kiểu dáng phù hợp với yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã đầu tư các máy móc, thiết bị chuyên ngành ứng dụng công nghệ cao phục vụ trong quá trình thi công các công trình. Vì vậy, chất lượng các công trình được đảm bảo và ngày càng được nâng cao.
Tiến hành rà soát các nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Hằng năm, triển khai cho các tổ chức, cá nhân đăng ký đề tài, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ. Đăng ký 05 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Dự án Trồng cây ăn trái theo hướng nông nghiệp hữu cơ ứng dụng các công nghệ cao tại xã Đắk Hòa; Dự án điện gió xã Thuận Hạnh 1 và Thuận Hạnh 2; Dự án điện gió Thuận Hạnh 3; Dự án điện gió Nam Bình 2; Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly. Năm 2022 đã đăng ký bổ sung mới 04 dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện, gồm: Dự án Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy chế biến rau củ quả; Phát triển du lịch điện gió Đắk song và Dự án Siêu thị thị trấn Đức An.
Xây dựng 40 tin, 13 bài và 03 phóng sự quảng bá hình ảnh địa phương, nâng cao sức hấp dẫn của huyện với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, trọng tâm là hạ tầng công nghệ thông tin, điện, giao thông bảo đảm đồng bộ. Thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời các dự án công nghiệp, dự án đầu tư năng lượng, đầu tư cụm công nghiệp vào Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 theo quy định.
Phát triển nguồn nhân lực: khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng: Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp đảm bảo hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư, không để công trình bị xuống cấp, hư hỏng mà không được sửa chữa duy tu kịp thời, nhất là hệ thống đường liên thôn để phục vụ sản xuất. Đến nay, đã nhựa hóa, bê tông hóa 47,78km/52,29 km đường huyện, đạt 91,37%; nhựa hóa, bê tông hóa đường đô thị 24,54/28,32 km, đạt 86,65%; nhựa hóa, bê tông hóa 102,85km/110,43km đường xã, đạt 93,14%; cứng hoá 171,98/206,86 km đường thôn, bon, bản, đạt 83,14%; cứng hoá 102,51km/199,70km đường ngõ, xóm, đạt 51,33%; 100% xã, thị trấn tuyến đường trung tâm được nhựa hóa, bê tông hoá; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,63%.Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm tập trung phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến nông – lâm sản làm trụ cột của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện. Đến nay đã thu hút 118 dự án dự án điện mặt trời dưới 1MW, 02 công trình thuỷ điện, 06 dự án điện gió góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 04 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hồ tiêu xuất khẩu: Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông – Chi nhánh Đắk Song; Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ – Xuất nhập khẩu Trân châu; Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Haprosimex. Có 01 nhà máy chế biến gỗ ván ép sản phẩm đạt khoảng 50.000 m3/năm. Để nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản người dân đã quan tâm đầu tư xây dựng 30 lò sấy thường, 2 lò sấy hồng ngoại, 01 hộ và 01 hợp tác xã đã sản xuất tiêu đỏ 5 tấn, tiêu sọ 02 tấn.
Trong thời gian qua, huyện Đắk Song luôn quan tâm đầu tư hoàn hiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, điện, giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, 100% cơ quan Đảng, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã được triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (ioffice); 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến xã được triển khai Phần mềm Một cửa điện tử; thư điện tử công vụ; Phần mềm quản lý chuyên dùng y tế, giáo dục… 100% cơ quan nhà nước cấp huyện đến cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng WAN để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (viết tắt là CNTT) dùng chung và ứng dụng chữ ký số trong ứng dụng CNTT. 100% cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công tác; có đủ trình độ để sử dụng thành thạo trên môi trường công nghệ mạng. 100% các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản, điều hành và Một cửa điện tử phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng. Xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử huyện Đắk Song có địa chỉ http://daksong.daknong.gov.vn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung thực hiện 03 trụ cột trong công tác chuyển đổi số, đó là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển giao công nghệ thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ. Thông qua các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương đã hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đăng ký đề án hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, chế biến để giúp các cơ sở công nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2021 đến nay, đã hỗ trợ 05 cơ sở về đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại vào trong sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương với tổng số tiền là 1.241 triệu đồng.
Phát triển công nghiệp gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường
Chỉ đạo phát triển công nghiệp trên cơ sở bảo đảm đồng bộ, bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư có trọng điểm các lĩnh vực mà huyện có lợi thế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, đã thu hút được nhà đầu tư triển khai thực hiện 08 dự án đầu tư (02 công trình thủy điện, 06 dự án điện gió). Chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với vùng nguyên liệu và đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 46-KH/HU ngày 06/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII về quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025. Xây dựng cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch, đẹp. Duy trì và nhân rộng một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn, biến rác thành tiền; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh; xây dựng các tuyến đường hoa, tuyến đường không rác thải. Thực hiện tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, chăn nuôi… góp phần xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chú trọng công tác quán triệt, triển khai và thực hiện Chương trình số 11-CTr/HU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Chương trình số 11-CTr/HU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 có lúc chưa đồng bộ. Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị của huyện với các Sở, ban, ngành của tỉnh, nhà đầu tư chưa nhịp nhàng và chưa nhận được đồng thuận cao của Nhân dân dẫn đến một số dự án triển khai chậm tiến độ. Huyện Đắk Song có lợi thế về vùng nguyên liệu rau, củ, quả... Tuy nhiên, chưa thu hút được doanh nghiệp có nguồn lực, công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Kết cấu hạ tầng tại địa phương còn hạn chế, ngân sách địa phương hạn hẹp. Trong khi đó, đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thường không ổn định, có nhiều rủi ro, nên khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.
Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 11-CTr/HU ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh Ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện còn hình thức; một số nhiệm vụ đề ra còn, chung chung, chưa cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở huyện Đắk Song nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến như sau:
1. Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 11-CTr/HU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Tỉnh Ủy Đắk Nông về phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, của các cơ quan, đơn vị đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình số 11-CTr/HU; động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân huyện
Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 17/3/2021 thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/HU, ngày 29/9/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Đắk Song giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 312/KH-UBND, ngày 07/12/2021 về phát triển công nghiệp huyện Đắk Song giai đoạn 2021 - 2025.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trong đó, chú trọng công tác tác tạo lập quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với nhà đầu tư trong việc hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thi công dự án đạt tiến độ.
Tập trung nguồn lực, tiếp tục đầu tư hoàn hiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, điện, giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Hội đồng nhân dân huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội huyện thực hiện tốt công tác công tác giám sát và phản biện xã hội về phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.
Ánh Nga