Kết quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường rà soát, bổ sung nguồn lực và sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với công tác đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chủ động sắp xếp, kiện toàn, thu gọn đầu mối, đảm bảo hợp lý về tổ chức bộ máy và ngành nghề đào tạo, khắc phục tình trạng dàn trải, đào tạo nghề thiếu hiệu quả. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 15 đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 09 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Về cơ bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng các điều kiện về dạy và học của các đơn vị theo quy định.
|
Người lao động chăm sóc cây trồng tại Công ty cổ phần Nông
nghiệp sạch Đắk Nông (ảnh: sưu tầm) |
Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông không ngừng được nâng cao, tính đến hết năm 2023 tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh là 48%, tăng 13% so với năm 2015 (35%). Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; người học sau khi tốt nghiệp có tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn hoặc đủ điều kiện để được theo học các chương trình liên thông; không để tình trạng đào tạo ra không có việc làm, thất nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội…
Việc đổi mới phương thức tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo nhân lực tay nghề cao được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Năng lực của người học, chất lượng tay nghề của lao động qua đào tạo từng bước được nâng cao. Từ năm 2015 đến nay, đào tạo nghề nghiệp cho 48.347 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm trung bình trên 75%; trong đó: Trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm 89%; đào tạo trình độ dưới 12 tháng từ 75-80%; đào tạo xã hội hóa 100%.
Các chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, thu hút đối với giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao được quan tâm thực hiện. Trên cơ sở chính sách hỗ trợ giáo viên đi đào tạo bồi dưỡng đã được Trung ương và địa phương ban hành; hàng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí triển khai thực hiện; giai đoạn 2016-2020 đã bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho 40 người và hỗ trợ cho 06 giáo viên học tập nâng cao trình độ (thạc sỹ), giáo viên dạy nghề được hưởng các chính sách chung đối với nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hằng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; kết nối chặt chẽ trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của doanh nghiệp; tham gia đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bước đầu mang lại hiệu quả trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm, thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chú trọng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề, như: hỗ trợ cho người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật; người thuộc hộ bị thu hồi đất; người thuộc hộ dân tộc thiểu số; lao động nữ bị mất việc làm;...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn một số hạn chế nhất định: Công tác tuyên truyền chưa được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng theo 03 chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tiến độ giải ngân chậm. Các chương trình, giáo trình đào tạo các ngành nghề chưa được cập nhật thường xuyên, chưa gắn với chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, chưa áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chương trình giảng dạy; sự liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo chưa nhịp nhàng, cơ sở đào tạo chưa bám sát với nhu cầu doanh nghiệp từ đó tỷ lệ việc làm chưa cao. Công tác xã hội hoá mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp,...
Nguyên nhân của hạn chế do sự phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao; kinh phí hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất còn hạn hẹp dẫn đến việc đầu tư chưa hiện đại, chưa bắt kịp với khoa học, công nghệ của thị trường và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh về số lượng nhưng phần lớn có vốn đầu tư ít, quy mô sản xuất nhỏ và thu hút lao động thấp; tốc độ đô thị hóa, dịch vụ và du lịch chưa phát triển mạnh nên tỷ lệ dịch chuyển lao động theo ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ còn chậm...
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đổi mới tư duy, cơ chế và phương thức quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng cường phân cấp, phân định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp quản lý. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo chuẩn hóa, nâng chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổ chức rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Mở rộng các phương thức đào tạo, tuyển sinh đào tạo, đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực; chú trọng các ngành nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các vùng lân cận và nhu cầu xã hội. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tiếp cận công nghệ mới.
Anh Trang