Kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn huyện Đắk Song
Đắk Song là huyện biên giới, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Đắk Nông, có 23,194 km đường biên giới giáp huyện Ou Reing và huyện Petchanda, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên 80.646,24 ha với 09 đơn vị hành chính cấp xã, 71 thôn, bon, bản, tổ dân phố; trong đó 03 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và 02 xã biên giới. Dân số 84.053 người, với 25 dân tộc; có 03 tôn giáo chính (Công giáo, Phật giáo, Tin lành).
Huyện Đắk Song có điều kiện tự nhiên thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp của huyện còn nhiều hạn chế như: trình độ sản xuất chưa đồng đều, việc ứng dụng, áp dụng tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ít được quan tâm ứng dụng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn mang tính tự phát chưa theo định hướng của các cấp ủy, chính quyền... dẫn đến giá cả không ổn định, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân. Để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 17/10/2019 về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2020 – 2025.
Để Nghị quyết số 10-NQ/HU sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân dân huyện, Cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; các tổ chức cơ sở Đảng tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thông qua các buổi học tập nghị quyết, các buổi họp cơ quan, họp chi bộ, họp thôn, bon, bản, tổ dân phố. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn huyện.
Qua 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 17/10/2019 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2020 - 2025 đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:
Về nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực: triển khai thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ năng canh tác, kiến thức sản xuất mới cho đội ngũ cán bộ cơ sở và nông dân. Đội ngũ khuyến nông viên ở thôn, bon, bản được kiện toàn và được hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được quan tâm triển khai, đã thực hiện đào tạo nghề cho 961 người, trong đó: trình độ Trung cấp 288 người, trình độ sơ cấp dưới 3 tháng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 673 người (theo Đề án đào tạo nghề tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở 02 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 63 hội viên, nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp, chăm sóc cây tiêu, phòng trừ sâu bệnh trong nông nghiệp; mở 01 lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp và các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại huyện cho 60 hội viên; 01 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Mắc ca tại thị trấn Đức An cho 200 cán bộ, hội viên; mở 41 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu cho 1.640 hội viên; 36 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho 1.440 hội viên, 06 buổi hội thảo về chăm sóc cây tiêu, cà phê, mắc ca và hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Về quy hoạch: Triển khai quy hoạch sử dụng đất huyện Đắk Song đến năm 2030, Trong đó: thực hiện điều chỉnh đất nông nghiệp từ 75.444,08 ha được quy hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 74.093,71 ha, chiếm 91,87% tổng diện tích tự nhiên. Hiện nay, huyện có 02 vùng sản xuất Hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao và đang đề nghị công nhận 01 vùng sản xuất Cà phê ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 400 ha tại xã Nam Bình.
Về sản xuất: Chỉ đạo triển khai chặt chẽ kế hoạch sản xuất mùa vụ, ổn định diện tích canh tác cây trồng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến thời tiết và yêu cầu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Triển khai thực hiện 04 đề án nông nghiệp (đề án công nghệ cao, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án mỗi xã một sản phẩm, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ) và Nghị quyết số 34/NQ-CP, ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 12.167 ha (trong đó: lúa nước 424 ha, ngô 1.888 ha, khoai lang 3.279ha, bí đỏ 1.202ha, sắn 464 ha, đậu đỗ 695 ha, đậu lạc 584 ha, rau xanh 2.794 ha, gừng 150 ha, cây hàng năm khác 687 ha). Tổng diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày là 42.590 ha (trong đó: cà phê 2.337 ha, tiêu 13.795 ha, cao su 549 ha, điều 58 ha, mắc ca 502 ha, cây ăn quả 4.165 ha, chanh dây 146 ha). Duy trì 02 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 1.549,4 ha tại xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh. Sản xuất nông nghiệp bền vững được người dân ngày càng chú trọng, đến nay đã có 4.440 ha cây trồng đạt chứng nhận các loại, cụ thể: có 2.332 ha cây hồ tiêu đạt chứng nhận các loại, 85 ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP, 57 ha rau đạt chứng nhận VietGAP và hữu cơ; 08 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh Đắk Nông hạng 3 sao…
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 79 trang trại, trong đó có 47 trang trại chăn nuôi gia công heo, gà cho công ty CP, Japfa, Cty Grimou; 32 trang trại tư nhân. Các trang trại này được đánh giá theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện là trang trại hộ gia đình, quy mô trang trại vừa và nhỏ. Một số mô chăn nuôi động vật hoang dã, bán hoang dã như mô hình nuôi lợn rừng, gà Jdabaco, gà H’Mông, gà đẻ trứng Ai Cập... đã đạt kết quả tốt, đem lại thu nhập cao cho người dân. Xây dựng chứng nhận hữu cơ Việt Nam cho 01 HTX chăn nuôi gà với số lượng 2.000 con gà, tại xã Nam Bình.
Về chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản: Hiện nay trên địa bàn huyện có 32 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, nhìn chung các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn đều ở quy mô nhỏ. Trong đó, có 04 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hồ tiêu xuất khẩu: Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông - Chi nhánh Đắk Song; Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Trân Châu; Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Haprosimex. Có 01 nhà máy chế biến gỗ ván ép sản phẩm đạt khoảng 50.000 m3/năm.
Hỗ trợ xây dựng 10 chuỗi liên kết với sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp, một số HTX và cơ sở; các sản phẩm của các chuỗi đều áp dụng các tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn. Hỗ trợ xây dựng 08 sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh, gồm: 03 sản phẩm cà phê, 02 sản phẩm hồ tiêu, 01 sản phẩm đông trung hạ thảo, 01 sản phẩm mắc ca. Mở 01 cửa hàng bán sản phẩm OCOP. Hướng dẫn, hỗ trợ 100% các cơ sở đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh lên sàn thương mại điện tử.
Về phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác phát triển nông nghiệp: Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, trang trại phát triển là điều kiện, tiền đề, là cầu nối quan trọng để liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 40 Hợp tác xã và 02 Tổ hợp tác sản xuất rau, củ quả (Tổ hợp tác sản xuất củ quả tại thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh; Tổ hợp tác rau, củ quả thôn 3, xã Thuận Hà). Chất lượng hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một số HTX hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho các xã viên như: HTX Hoàng Nguyên, HTX Đoàn Kết, HTX Bình Tiến, HTX Hòa Phát; các HTX trên đã có 04 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 cửa hàng OCOP, giới thiệu và bán 08 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện, một số sản phẩm tiềm năng khác của huyện Đắk Song, gồm: cà phê, tiêu, mắc ca, đông trùng hạ thảo.... Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2020 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 17/10/2019 của Huyện ủy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại:
- Một số xã chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bền vững; việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững còn chậm, tình trạng chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi của người dân còn mang tính tự phát, theo cảm tính, chưa theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; việc sử dụng các biện pháp hữu cơ, sinh học trong canh tác chưa được đông đảo người dân quan tâm sử dụng.
- Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ nên nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và liên doanh, liên kết với doanh nghiệp. Công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là bán sản phẩm thô nên giá trị đem lại thấp.
- Trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP nhưng quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường yếu. Trên địa bàn huyện chưa có tổ chức, cá nhân xây dựng được chuỗi liên kết từ cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện có hiêu quả việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song đề ra các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
(1) Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 17/10/2019 về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
(2) Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 17/10/2019 về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đắk Song và các văn bản của của Đảng các cấp về phát triển nông nghiệp.
Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững: “phải bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo hướng ổn định lâu dài; giải quyết hài hòa lợi ích về kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững trật tự an toàn xã hội”. Tiếp tục triển khai thực hiện 03 Đề án sản xuất nông nghiệp của tỉnh (đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án nông nghiệp công nghệ cao, đề án nông nghiệp sạch), gắn với việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ... cấp mã số vùng trồng, để có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Có biện pháp hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đã thành lập hình thành mối liên kết trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường.
(3) Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phát động thi đua trong triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 10-NQ/HU đề ra, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
(4) Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 19/10/2019 của Huyện ủy, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã xây dựng. Phối hợp với các quan chuyên môn tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Thu Hương