Một số kết quả công tác dân vận ở cơ sở của các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Đắk Nông hiện nay
Đắk Nông đang ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ vì hiện nay là tỉnh có tốc độ phát triển cao ở Tây Nguyên hay là nơi có trữ lượng quặng Bô xít lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 4 trên thế giới.
Các huyện, thành phố ở tỉnh Đắk Nông đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi phải tăng cường và đổi mới hơn nữa công tác dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thời gian qua, Đắk Nông đã từng bước đổi mới và đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức, phương pháp mới, phù hợp.
Thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Quy chế số 18-QC/TU ngày 04/10/2021 “Về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông”, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”;… Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được cấp ủy, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với Nhân dân”. Cấp ủy, chính quyền ở địa phương ngày càng chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 12 Nghị quyết, 06 Chỉ thị, 03 kế hoạch về công tác dân vận để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Trong những năm gần đây cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "Một cửa", “Một cửa liên thông”, “Một cửa điện tử”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, “nói đi đôi với làm”, thực sự là công bộc của Nhân dân. Kết quả, trong thời gian qua tổng số thủ tục hành chính được cắt giảm là 677/2033 thủ tục, đạt 33,3%; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đang thụ lý 45 vụ việc khiếu nại, 13 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền; giải quyết xong 23 vụ khiếu nại, 07 vụ tố cáo; …
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác Dân vận của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp. Nhiều hoạt động được đẩy mạnh như tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến tuyên truyền, phát động thi đua, hoạt động về nguồn, thăm quan học hỏi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, xây dựng các mô hình, nêu gương các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tập tin, báo, đài của tỉnh, thành phố như: mô hình “Tôi làm Công an xã” của Công an tỉnh Đắk Nông; mô hình “Quản lý thuế” của Cục Thuế tỉnh Đắk Nông; mô hình “Mẹ đỡ đầu” của Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông; mô hình “Tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp” của Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông; mô hình “Tiết học vùng biên” của Đảng ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông; mô hình “Tuyến đường hoa” của Thành ủy Gia Nghĩa; mô hình “05 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo” của Huyện ủy Đắk Song; mô hình “Chia sẻ yêu thương, đưa em vững bước tới trường” của Huyện ủy Đắk Glong; mô hình “Thoát nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ” của Huyện ủy Krông Nô; mô hình “Tổ tuyên truyền - bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng” của Huyện ủy Cư Jút; mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, “Thắp sáng đường quê”, “Chia sẻ yêu thương” của Huyện ủy Đắk R’lấp… đã góp phần làm cho phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát triển mạnh mẽ, từng bước đi vào cuộc sống của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiến hành quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ nội bộ và chống phá Đảng và Nhà nước đối với chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS; xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ đồng bào DTTS; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức tốt công tác phát động quần chúng tại các thôn, bon, bản, các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận... Trong giai đoạn 2020-2022, Tỉnh ủy tổ chức 02 lớp quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận cho hơn 500 đại biểu lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện và phát 740 cuốn tài liệu về công tác dân vận đến các huyện, thành phố. Ban Dân vận các cấp ủy tổ chức 27 lớp tập huấn về công tác dân vận có trên 3.000 lượt người tham gia; tổ chức 12 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2022, tổ chức 08 lớp tập huấn công tác dân vận tại 08/08 huyện, thành phố, trong đó lồng ghép tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho hơn 320 người. Tổ chức trên 733 đợt/buổi phát động quần chúng trong vùng đồng bào DTTS, với 115.249 lượt người tham gia, phát hơn 20.242 tờ rơi các loại, 4.338 tin tố giác tội phạm, 172 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; vận động tranh thủ cá biệt 2.405 chức sắc tôn giáo, 886 lượt người uy tín; vận động, giải thích cho dân 54 vụ với 1.752 lượt người dân đến khiếu kiện trở về địa phương nơi cư trú; tham gia tổ chức hòa giải tại cộng đồng 213 vụ, quản lý, cảm hóa, giáo dục 259 đối tượng. Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 3.850 hộ, với kinh phí hỗ trợ là 18.730,875 triệu đồng; chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 61,196 tỷ đồng.. Qua đó, đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS; nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận ở cơ sở của cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Nông cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế:
Tình hình an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ dân cư vẫn còn phức tạp; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước cấu kết với các phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong xã hội để không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kích động, chia rẽ Nhân dân. Các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan; một số tu sĩ từ các địa phương khác đến địa bàn tỉnh Đắk Nông mua bán, sang nhượng đất, xây dựng cơ sở thờ tự trái pháp luật; hoạt động của các nhóm, phái bất hợp pháp liên quan đến tôn giáo còn diễn ra ở một số địa phương… đã tác động và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội… Một bộ phận cán bộ, công chức còn có nhận thức chưa sâu về công tác dân vận ở cơ sở, coi công tác dân vận là trách nhiệm của Ban Dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nên còn lúng túng, thiếu tích cực, chủ động trong tham mưu về công tác dân vận. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong thực hiện công tác dân vận có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên. Một số văn bản, hướng dẫn về công tác dân vận chính quyền chưa cụ thể, rõ ràng, nên việc tổ chức, quán triệt, thực hiện có lúc, có nơi còn chưa được kịp thời, hiệu quả.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của tỉnh Đắk Nông về công tác dân vận ở cơ sở tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị. Tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về dân vận ở cơ sở.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, “nói đi đôi với làm”, thực sự là công bộc của Nhân dân; nâng cao năng lực, trình độ, rèn luyện phong cách người cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Khắc phục tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính khi tiến hành công tác dân vận ở cơ sở.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác dân vận hướng mạnh về cơ sở, gần nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân; xuất phát từ nguyện vọng hợp pháp, lợi ích chính đáng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp Nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để Nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của tỉnh, của đất nước. Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của mỗi tầng lớp nhân dân để xác định phương thức, cách thức vận động phù hợp.
Bốn là, thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Năm là, từng bước tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện kỷ cương hành chính, trọng tâm là tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của hệ thống chính trị và của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận các cấp./.
Ngô Đức Hải