Một số kết quả triển khai thực hiện Chương trình 22-CTr/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình số 22-CTr/TU), các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã tích cực phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng Nhân dân về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chương trình số 22-CTr/TU; xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách, các quy định liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, công tác quán triệt, phổ biến, tuyên tuyền về Chương trình số 22-CTr/TU đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Các cấp, các ngành đã có sự quan tâm, thực hiện đúng mức trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Các chỉ tiêu theo tinh thần Chương trình số 22-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hiện nay đã được các cấp ủy đảng, chính quyền phân công cụ thể và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, 04 chỉ tiêu đề ra trong Chương trình số 22-CTr/TU đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện, trong đó có một số chỉ tiêu thực hiện đạt tiến độ tốt như: tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công lập, y tế công lập có giường bệnh đạt Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam từ mức 3 trở lên.
Sau khi có Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 29/9/2008 về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới và Kết luận số 215-KL/TU, ngày 18/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể và tầng lớp Nhân dân nhận thức được sự phát triển của nền Đông y Việt Nam là một phần quan trọng không thể tách rời trong hệ thống của ngành Y tế. Y học cổ truyền (YHCT) đã góp phần không nhỏ trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, với chi phí chữa trị thấp, hiệu quả. Với quan điểm phát triển nền y, dược học cổ truyền theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa YHCT và y học hiện đại, áp dụng để phòng, chống bệnh tật, khám và điều trị, nuôi trồng dược liệu, bảo tồn các loại cây quý hiếm làm nguồn thuốc lâu dài. Hệ thống y, dược học cổ truyền của tỉnh ngày càng được quan tâm phát triển mạnh mẽ, hoạt động YHCT tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và các cơ sở hành nghề Y học cổ truyền ngày càng tăng, thể hiện sự phát triển đúng hướng về sự kết hợp y học hiện đại với YHCT; các Trạm Y tế đều đã được đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
- Công tác phối hợp tuyên truyền thực hiện Chương trình 22-CTr/TU chưa được thực hiện thường xuyên, sự phối hợp giữa ngành Y tế với các cơ quan, đơn vị còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở chưa thật sự phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền.
- Về nguồn nhân lực y tế: đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của hệ thống y tế còn thiếu, yếu, chưa có đội ngũ bác sĩ giỏi, bác sĩ chuyên khoa sâu. Công tác khám, chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân vẫn còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa tốt. Ngoài ra, do mức lương thấp và áp lực công việc, trong thời gian qua có nhiều bác sĩ đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác đến các thành phố lớn hoặc các cơ sở y tế tư nhân có mức thu nhập cao hơn. Cơ sở hạ tầng bệnh viện đa khoa tỉnh xuống cấp, chưa bảo đảm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
- Về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh: công tác khám, chữa bệnh cũng đã được quan tâm nhưng chất lượng còn hạn chế; các dịch vụ kỹ thuật còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người dân về khám bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế tại một số đơn vị chưa tốt.
- Về ứng dụng nhiều công nghệ thông tin: hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong ngành y tế còn sử dụng nhiều phần mềm và chưa được đồng bộ, chưa tích hợp với nhau nên còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Việc triển khai cập nhật dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe toàn dân còn rất hạn chế, chưa có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Do đó, còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện của cấp cơ sở.
Để thực hiện thành công mục tiêu Chương trình số 22-CTr/TU đề ra, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Định kỳ rà soát tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các đề án, chương trình của Tỉnh uỷ và các Nghị quyết, chỉ thị, chương trình có liên quan đã ban hành để phát huy thế mạnh và kết quả đạt được cũng như khắc phục được tồn tại yếu kém.
Hai là, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để thực hiện Chương trình 22-CTr/TU và các Chương trình, đề án khác có liên quan về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ba là, Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trong đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị y tế tiên tiến đồng bộ cho các cơ sở y tế đã được cấp thẩm quyền phân bổ vốn trong năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt là nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh lên 700 giường bệnh. Có cơ chế thu hút cơ sở y tế ngoài công lập. Phát triển ngành Đông y trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết phát triển cây dược liệu.
Bốn là, Tập trung phát triển đào tạo và giữ chân nguồn nhân lực y tế chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển hiện nay và làm chủ được trang thiết bị hiện đại, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
Năm là, Ban hành các cơ chế chính sách về thu hút đãi ngộ cho cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế.
Sáu là, Tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng CNTT trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin, trong đó có việc ứng dụng CNTT áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến. Phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân, người bệnh.
Mỹ Linh