Ngày 11/6/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 12-CTr/TU “về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh” (Chương trình số 12)
Công tác phát triển đảng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh được quan tâm, đội ngũ đảng viên từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 02 năm thực hiện Chương trình số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như:Việc cụ thể hóa thực hiện Chương trình số 12 ở một số tổ chức đảng còn chậm, nội dung chưa cụ thể, chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình thực hiện Chương trình, việc đôn đốc và kiểm tra, giám sát của cấp trên chưa thường xuyên; chưa đưa nội dung tổ chức thực hiện Chương trình số 12 vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy các cấp.
Chất lượng sinh hoạt chi bộ tuy có nhiều mặt chuyển biến. Tuy nhiên, việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt một số chi bộ còn lúng túng, nhiều chi bộ chưa coi trọng tổ chức sinh hoạt chuyên đề; tính đấu tranh trong tự phê bình và phê bình chưa cao, còn biểu hiện ngại va chạm, đoàn kết thống nhất trong nội bộ chưa cao; việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở một số cấp ủy chưa thực chất. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu và hiệu quả đạt được chưa cao, có lúc có nơi còn mang tính hình thức, một số cấp ủy, chi bộ chưa nắm chắc được diễn biến, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thuộc phạm vi quản lý dẫn đến một số cán bộ, đảng viên còn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bị xử lý kỷ luật.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; việc vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn một số bất cập, còn lúng túng chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở; chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc; nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, cụ thể và thiết thực; việc quản lý hồ sơ đảng viên chưa tốt.
Một bộ phận cán bộ cơ sở còn yếu về năng lực điều hành, xử lý các vấn đề do thực tiễn đặt ra còn hạn chế, làm việc thụ động, cảm tính, chưa linh hoạt.
Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm của một số tổ chức cơ sở đảng còn hình thức và chạy theo thành tích, kết quả chưa phản ánh đúng thực chất; có tổ chức cơ sở đảng tuy đạt trong sạch, vững mạnh, nhưng lại có cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống.
Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn chạy theo số lượng, chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục, bồi dưỡng động cơ, lý tưởng cách mạng và rèn luyện thử thách đối với quần chúng.
Công tác kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh kết quả đạt được còn thấp.
Việc “xóa” các thôn “trắng” đảng viên là người tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn, chưa có giải pháp thực hiện hiệu quả.
Nguyên nhân
Việc tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng hệ thống chính trị còn thiếu các biện pháp cụ thể, khả thi. Một số chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng cấp dưới còn chung chung, giải quyết sự vụ là chủ yếu, thiếu tính sáng tạo, nhạy bén và định hướng, chưa cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy sát với tình hình, đặc thù của địa phương.
Một số cấp ủy đảng nhận thức chưa đúng, đầy đủ nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Ðảng, đặc biệt là vai trò của đồng chí chủ trì (người đứng đầu tổ chức đảng); chưa xác định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, của tổ chức cơ sở đảng; trình độ năng lực của một số cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay; một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Một số đảng viên trẻ ngại va chạm, ít tham gia ý kiến trong sinh hoạt, thực hiện tự phê bình và phê bình còn hạn chế.
Chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp cơ sở còn bất cập; đội ngũ cấp ủy viên chủ yếu kiêm nhiệm, ít được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật những kiến thức mới, nhất là về kinh tế, xã hội và pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, còn có sự nhầm lẫn giữa nhiệm vụ kiểm tra theo Điều 30 với Điều 32 Điều lệ Đảng; thiếu biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở chưa thường xuyên; việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm có trường hợp chưa kịp thời.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về hành động trong toàn Đảng bộ trong việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Chương trình của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng.
Hai là, Điều chỉnh mục tiêu tại Chương trình số 12-CTr/TU: “Phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 80% tổ chức đảng, 70 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn có kết nạp đảng viên. Hằng năm có trên 75% số tổ chức đảng và có trên 90% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. 100% tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát”, thành “phấn đấu hằng năm có trên 90% tổ chức đảng và đảng viên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đối với 05 chi bộ thôn (thuộc xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) hiện chưa có đảng viên là người tại chỗ, phấn đấu có 01 đến 02 thôn kết nạp đảng viên là người tại chỗ. Phấn đấu tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 3% tổng số đảng viên” cho phù hợp với mục tiêu đề ra tại Chương trình số 48-CTr/TU, ngày 31/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ba là, Tập trung kiện toàn, sắp xếp hệ thống chính trị đồng bộ, thống nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.
Bốn là, Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy thuộc Tỉnh ủy; cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 38-KL/TW, ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị Quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 11/6/2021 và Chương trình số 48-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Năm là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 62-CTr/TU, ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Triển khai thực hiện tốt Quy định số 26-QĐ/TU, ngày 14/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy viên các cấp tham dự sinh hoạt với các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Xây dựng Đề án của Tỉnh ủy để phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Sáu là, Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI, khóa XII) gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định về nêu gương.
Bảy là, Cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy cơ sở có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng theo quy định.
Tám là, Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy về kỹ năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể như:
- Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Dám nghĩ, dám nói, dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và hành động vì lợi ích chung. Xây dựng văn hóa liêm chính trong đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở, không tham nhũng, tiêu cực.
Chín là, Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng theo chương trình công tác hằng năm; thành lập một số đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chương trình của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, để kịp thời hướng dẫn cơ sở, nhắc nhở, chấn chỉnh những địa phương, cơ quan, đơn vị còn trông chờ hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Mười là, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ theo quy định.
Tống Hằng