Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trọng tâm là Kết luận 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 09/01/2015 “Về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động”.
Thực hiện Quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. 6 tháng năm 2023, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Thường Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức 05 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội (trước kỳ họp thứ 5), Quốc hội khóa XV, thu hút hơn 700 cử tri trên địa bàn tham gia. Đồng thời tổ chức 14 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh (trước kỳ họp thứ 6), Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IV, có 1.260 cử tri địa phương tham gia. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh trả lời cụ thể; một số ý kiến còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương được tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị các Bộ, ngành xem xét trả lời theo quy định.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện khá đầy đủ 11 nội dung tại Điều 5 của Pháp lệnh 34 để công khai cho nhân dân biết bằng nhiều hình thức như: niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, thông báo trực tiếp qua các cuộc họp dân do chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tổ chức hoặc thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND; phối hợp với MTTQ, các thành viên và Trưởng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Các nội dung được quan tâm như chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thủ tục hành chính, mức thu các loại phí, lệ phí; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách xã hội; xã hội hóa giao thông nông thôn; kế hoạch vay vốn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; thủ tục về hộ tịch, hộ khẩu ... đến với Nhân dân. Việc xây dựng các hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa với những nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ đã có tác động rất hiệu quả tới việc gìn giữ và phát triển các truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội tốt đẹp tại cộng đồng dân cư; hình thành nếp sống văn hóa mới... góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc thực hiện Quy chế dân chủ đã tạo nên một không khí mới đối với cả hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng dân chủ, tích cực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, chính quyền đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát, phản biện để xây dựng Đảng, chính quyền; không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Chính quyền địa phương đã làm việc theo hướng khoa học và hiệu quả thông qua cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông hiện đại”. MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp được đổi mới về tổ chức và hoạt động, theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trách nhiệm với dân góp phần tăng cường củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã được thành lập, các thành viên được lựa chọn là những người có uy tín, có trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát, hoà giải. Thời gian qua đã thực hiện cơ bản các nhiệm vụ theo quy định, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Những tháng đầu năm 2023, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát các loại quỹ, thủ tục hành chính tại địa phương, giám sát việc cấp phát quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ban giám sát đầu tư cộng đồng các phường, xã đã thực hiện giám sát một số công trình thi công tại địa phương như: Giám sát việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách người có công; BGSĐTCĐ đã tiến hành giám sát về các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm y tế, nhà họp thôn... Qua đó đã củng cố niềm tin của nhân dân và là chỗ dựa tinh thần để quần chúng nhân dân phát huy quyền và nghĩa vụ công dân trong việc phát hiện những việc làm chưa hiệu quả phản ánh kịp thời để cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp xảy ra. Việc thực hiện QCDC có sự tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị ở nông thôn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; bình quân mỗi xã đạt 16,58 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Kết quả theo từng nhóm như sau: Đạt 19 tiêu chí có 35 xã, chiếm 58,3%; đạt từ 15-18 tiêu chí có 6 xã, chiếm 10%; đạt từ 10-14 tiêu chí có 19 xã, chiếm 31,7%.
Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập
6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành tập trung tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp. Công tác xây dựng đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận (có phụ lục văn bản kèm theo). Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện; đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động về công tác dân vận đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã kết nối liên thông với nhau để gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng và đã liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành; 08/08 huyện, thành phố; 17/17 Sở, ban, ngành có thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code. Triển khai hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, đã thực hiện đơn giản hóa đối với 321 TTHC, công bố mới 13 TTHC, bãi bỏ và thay thế 66 TTHC. Toàn tỉnh có 628/628 cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị nhà nước có sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn, chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng cao; các đơn vị đã bám sát quy định về nội dung, quy trình tổ chức hội nghị; công đoàn cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc trách nhiệm của tổ chức công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức phát huy quyền dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia góp ý vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, cải cách lề lối làm việc, thực hiện quy chế, quy định tại đơn vị; tham gia với lãnh đạo về công tác điều hành, quản lý, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
Theo tinh thần Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Ban Chỉ đạo QCDC các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã rà soát tham mưu cấp ủy kiện toàn bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo đúng quy định; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; bổ sung quy chế hoạt động, quy định về thực hiện dân chủ trong Doanh nghiệp… Quy chế được xây dựng cụ thể và hợp lý, là cơ sở để cấp ủy đảng, Ban giám đốc và các đoàn thể hoạt động một cách đồng bộ, nhịp nhàng, không chồng chéo, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng tổ chức, giúp cho cấp ủy đảng nâng cao được năng lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp. Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp lớn đều thực hiện việc công khai phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; phổ biến và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Có 48/81 doanh nghiệp thành lập công đoàn và tổ chức hội nghị người lao động, đạt 59,3%. Số doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động ngày càng tăng, chất lượng hội nghị được đảm bảo, thu hút được sự quan tâm của người lao động; hội nghị đã tạo điều kiện cho người lao động được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định tại doanh nghiệp; các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động được đưa ra bàn bạc công khai tại hội nghị; phần lớn các doanh nghiệp đều tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động thông qua hội nghị người lao động. Tính đến ngày 13/6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 52/81 doanh nghiệp (doanh nghiệp có tổ chức công đoàn) có thỏa ước lao động tập thể (đạt 64,2%), một số thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại./.
Vân Anh