Những kết quả nổi bật sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX
Ngày 15/11/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bối cảnh triển khai thực hiện nghị quyết
Tỉnh Đắk Nông được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI. Theo đó, chia tỉnh Đắk Lắk thành tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Ngày 01/01/2004, tỉnh Đắk Nông được chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Dân số lúc thành lập là 397.536 người, với 29 dân tộc cùng sinh sống (có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ: M’Nông, Mạ, Êđê); có 06 đơn vị hành chính cấp huyện, 52 xã, thị trấn.
Trong thời kỳ đầu thành lập tỉnh, với đặc thù được tách từ những huyện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, người dân từ khắp mọi miền của cả nước về Đắk Nông sinh sống, lập nghiệp, đã làm cho đời sống văn hóa, xã hội của địa phương thêm phần đa dạng, hội tụ nhiều đặc trưng văn hóa của vùng miền; tuy nhiên, cộng đồng dân cư với mật độ thấp, địa hình chia cắt, các dân tộc sinh sống đan xen… nên tính cố kết cộng đồng thời kỳ đầu chưa cao. Bên cạnh đó, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước, khu vực và trong tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp âm mưu bạo loạn chính trị đối với Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng, bằng nhiều thủ đoạn chống phá trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường kích động, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhẹ dạ, cả tin vượt biên trái phép. Các thế lực thù địch gia tăng lợi dụng không gian mạng internet để đăng tải các bài viết, hình ảnh, clip… tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm của Đảng, Nhà nước, kích động, lôi kéo người dân tham gia tổ chức phản động, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23) ra đời và đi vào thực tiễn cuộc sống đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của Nhân dân, nhân sỹ trí thức, đoàn viên, hội viên, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khối liên minh giữa giai cấp công nhân - nông dân - trí thức ngày càng vững chắc.
Những kết quả nổi bật
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được củng cố và tăng cường, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ ổn định, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện; các thành phần kinh tế được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện phát triển; bộ mặt nông thôn dần được đổi mới. Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, công tác giảm nghèo bên vững được triển khai ngày càng hiệu quả. Bộ máy chính quyền các cấp cơ bản được kiện toàn, sắp xếp, cải cách hành chính theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng; y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; công tác giải quyết việc làm được quan tâm, chất lượng dân số được cải thiện.
Hệ thống chính trị ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng tổ chức Đảng được nâng lên, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đưa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tiếp tục đi vào đời sống, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao; các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn xã hội; đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” xuất hiện, tạo sự lan tỏa cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được củng cố kiện toàn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn được nâng lên; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh toàn diện, đạt kết quả tích cực; xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức đặc biệt được coi trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ta vẫn còn gặp không tít những khăn thách thức: tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao; quy mô nền kinh tế nhỏ và cơ bản vẫn là nền kinh tế thuần nông, kỹ thuật canh tác truyền thống, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình là chủ yếu. Hệ thống doanh nghiệp phát triển nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu; chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao. Công tác dân vận chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu; hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa cao.
Những giải pháp trọng tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới
Để phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn, thách thức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã đề ra các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, lợi ích nhóm. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Củng cố, nâng cao niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, xây dựng một số doanh nghiệp lớn giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu nhằm tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương: (1) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; (3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Ba là, tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch có tầm nhìn chiến lược dài hạn; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; tổ chức thực hiện và quản lý tốt quy hoạch; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản; thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; quản lý đất đai gắn với quản lý dân cư; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Năm là, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng trên tuyến biên giới; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai.
Sáu là, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của Nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.
Bảy là, tiếp tục lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các giai tầng, các giới trong toàn dân tộc. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền; tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân vận. Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lê Hùng