Dân tộc Việt Nam ta có lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với biết bao chiến công hiển hách giành được vào mùa Xuân. Những trang sử mùa Xuân chói lọi đó được tô thắm thêm khi cách mạng Việt Nam có Đảng soi đường, quân dân đoàn kết, cùng làm nên những mùa Xuân lịch sử.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước phải chịu ách áp bức, bóc lột của thực dân cướp nước và phong kiến tay sai. Nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai bán nước. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách bất khuất và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều thất bại. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết khoa học và cách mạng đó con đường cứu dân, cứu nước đúng đắn. Với sự nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn sôi nổi, phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; cùng với các đồng chí của mình chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức, cán bộ để thành lập một Đảng cách mạng chân chính.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930.Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
|
Mùa Xuân năm Canh Ngọ, vào ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ khi có Đảng, cách mạng Việt Nam có cương lĩnh đúng đắn do Bác Hồ khởi thảo, đời sống chính trị, tinh thần, khí thế đấu tranh cách mạng của toàn dân ta đã chuyển qua một giai đoạn mới. Dân tộc Việt Nam vững tin trên con đường đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Mùa Xuân năm 1941, sau gần ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 bác Hồ về tới Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.
Mùa Xuân năm 1946, Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946) diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Vượt qua khó khăn, Cuộc tổng tuyển cử đã thành công trên khăp mọi miền của Tổ quốc, cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tổng tuyển cử thắng lợi mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Mùa Xuân năm 1954, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu mở màn, sau 55 ngày đêm chiến đâu anh dũng đến ngày 07/5/1954 Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra giai đoạn cách mạng mới ở nước ta, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và vô cùng gian khổ của dân tộc ta đã có biết bao chiến công hiển hách đã được ghi dấu ấn lịch sử từ những mùa Xuân. Mở đầu cho những chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là Đồng khởi của quân và dân Bến Tre mùa Xuân năm 1960, tạo một bước phát triển mới quan trọng của cách mạng miền Nam; phong trào Đồng khởi như nước vỡ bờ nổ ra ở khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung bộ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đêm ngày 30 rạng ngày 31/01/1968, kéo dài trong 45 ngày đã tạo tiếng vang lớn báo hiệu sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Trị - Thiên, thế ta càng thắng, lực ta càng mạnh, dồn địch vào thế khó khăn, lúng túng và suy yếu; đặc biệt là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã làm sụp đổ hoàn toàn uy lực của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari rút quân về nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến tranh giải phóng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong mùa Xuân năm 1975 như một điểm hẹn lịch sử, là sự kết tinh của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn.
Trải qua 92 mùa Xuân từ khi ta có Đảng, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng giành Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã hằng mong, vị thế của dân tộc ta ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, Đảng tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự lựa chọn tất yếu và đúng đắn, đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu thực hiện cho kỳ được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Lê Hùng