Nội dung, các bước xây dựng mô hình và nguyên tắc trong Hướng dẫn Xây dựng và bình xét mô hình, điển hình “Dân vận khéo” Năm 2023
Nội dung xây dựng mô hình “Dân vận khéo”
1. Lĩnh vực kinh tế: “Khéo” trong vận động xây dựng các mô hình, hợp tác xã, câu lạc bộ, trang trại phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động; sáng tạo, tiết kiệm, nâng cao số lượng đi đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng an toàn và bền vững, đảm bảo hài hòa cả ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái.
2. Lĩnh vực văn hoá - xã hội: “Khéo” trong vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tham gia chương trình giảm nghèo bền vững; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nhà văn hoá; nhà đại đoàn kết; hiến đất làm đường; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, đơn vị đảm bảo an ninh, trật tự, không có tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường. Tham gia công tác nhân đạo, từ thiện; thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong dân cư, người lao động.
3. Lĩnh vực Quốc phòng - An ninh: “Khéo” trong phối hợp tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tình hình nhân dân, gần dân, trọng dân, xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân thông qua hoạt động của các phong trào và mô hình, điển hình như “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “phòng, chống buôn bán người”…
4. Xây dựng hệ thống chính trị: “Khéo” vận động các tổ chức, cá nhân trong việc phát huy dân chủ, tham gia xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tích cực tham gia cải cách hành chính; nâng chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội; nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên, các tổ chức hội vững mạnh.
- “Khéo” trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức: đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm truyền tải các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và nhân dân, để mọi người hiểu đúng, nhận thức đúng và thực hiện đúng, hiệu quả các chủ trương, chính sách đó.
- “Khéo” trong tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị: nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về hình thức, nội dung, biện pháp, giải pháp “Dân vận khéo” để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trên các lĩnh vực.
* Các bước xây dựng mô hình “Dân vận khéo”
Việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải có kế hoạch cụ thể và theo trình tự như sau:
Bước 1: Trên cơ sở Kế hoạch của cấp ủy, chính quyền và sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, đơn vị sẽ lựa chọn chọn một số lĩnh vực về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh... để tập trung giải quyết (đặc biệt những vấn đề khó khăn, yếu kém, phức tạp trong đời sống xã hội, bức xúc trong nhân dân, trong cơ quan, đơn vị, địa phương).
Bước 2: Quý I hàng năm, các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức đăng ký thi đua theo nội dung đã chọn và gửi về Ban Dân vận Tỉnh ủy để theo dõi việc triển khai thực hiện.
Bước 3: Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hàng năm cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả mô hình, điển hình theo các tiêu chí và chỉ tiêu đã xây dựng.
Bước 4: Hàng năm, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” (lồng ghép trong báo cáo tổng kết năm); nhân rộng mô hình mới hiệu quả, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, kịp thời tuyên dương, khen thưởng; đối với Khối dân vận xã, phường, thị trấn tham mưu cấp ủy sơ, tổng kết theo quy định.
* Nguyên tắc công nhận
1. Đối với Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy Gia Nghĩa
Hằng năm, đến ngày 01/10, tổ chức kiểm tra, công nhận các mô hình, điển hình "Dân vận khéo".
2. Đối với các sở, ban, ngành tỉnh
Ban Dân vận Tỉnh uỷ kiểm tra, xét và công nhận
* Các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải đảm bảo theo nguyên tắc:
- Có đăng ký thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
- Công khai, dân chủ trong bình chọn.
- Đúng tiêu chuẩn điển hình, được tập thể nơi điển hình thừa nhận.
- Có sức lan tỏa cao trong địa bàn, lĩnh vực họat động theo chuyên môn.
- Được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các ban, ngành liên quan… công nhận “khéo” trong tuyên truyền, vận động và có biện pháp thực hiện mang lại hiệu quả nổi bật so với trước đây.
Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng cụ thể từng mô hình, điển hình để đề nghị Ban Dân vận Trung ương hoặc Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu đạt danh hiệu mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vào dịp kỷ niệm 93 ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023).
Ngoài ra, trong quá trình theo dõi thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và Ban Dân vận cấp huyện, Khối Dân vận cấp xã nếu phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện có những mô hình, điển hình phù hợp với các tiêu chí “Dân vận khéo” (chưa có đăng ký), mà thực hiện mang lại hiệu quả cho công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ đề nghị khen thưởng cho những tập thể, cá nhân đó.
Ban Dân vận Tỉnh ủy xem xét, đề nghị khen thưởng cho một số tập thể, cá nhân thuộc Ban Dân vận các cấp và cán bộ chuyên trách Khối Dân vận cấp xã thực hiện tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn thực hiện phong thi đua “Dân vận khéo” để động viên, khích lệ phong trào./.
Vân Anh