Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc (có 07 đảng bộ huyện, 01 đảng bộ thành phố; 03 đảng bộ lực lượng vũ trang và 01 đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh), với 431 tổ chức cơ sở đảng (163 đảng bộ, 268 chi bộ cơ sở) và 1.688 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (trong đó 01 đảng bộ bộ phận). Tổng số đảng viên 27.887 đ/c (trong đó: đảng viên người dân tộc thiểu số 4.477 đ/c; trong các tôn giáo 980 đ/c). Công tác xóa thôn, buôn, bon, bản "trắng" chi bộ, "trắng" đảng viên đã được cấp ủy các cấp tích cực triển khai thực hiện. Đến nay 100% thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố đã có chi bộ.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh, chính trị; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu chiến lược "diễn biển hòa bình"; lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", "tự do tôn giáo" để chống phá; tình hình an ninh biên giới và an ninh nông thôn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận Nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số tổ chức đảng ở cơ sở còn thấp nên phần nào đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của toàn Đảng bộ.
Theo tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 và Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Những năm qua, với trách nhiệm và vốn kinh nghiệm sống của mình, những người có uy tín ở các thôn, bon, buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn nhiệt tình với công việc, gắn bó với đồng bào, góp phần xây dựng khối đoàn kết các dân tộc. Từ năm 2011 đến 2024 trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 lượt người có uy tín được bầu chọn thuộc 12 thành phần dân tộc khác nhau như: M’Nông, Mạ, Ê Đê, Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Hoa, Mường, Sán Dìu và dân tộc Kinh. Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông phê duyệt 310 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó: 293 nam, 17 nữ), thành phần gồm: Bí thư chi bộ, già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản, cán bộ nghỉ hưu, chức sắc tôn giáo, nghệ nhân người DTTS, nhân sĩ, trí thức người DTTS, người sản xuất kinh doanh... Người có uy tín được hưởng các chế độ, chính sách theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018; Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đời sống cộng đồng DTTS, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng. Trên những bình điện khác nhau, họ đều đóng vai trò là những người đứng đầu trong sự vận hành của cộng đồng, duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, thực hiện giải quyết các mối quan hệ với các cộng đồng khác và với bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Trong những năm qua, vai trò của người có uy tín trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được thể hiện trên các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, vận động, tuyên truyền, động viên cộng đồng DTTS thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, vùng đồng bảo DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều điều kiện tiếp xúc với internet, sách, báo, đài, tivi. Tuy nhiên, đối với đồng bào các dân tộc thì "Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm". Trong thời gian qua, người có uy tín trên toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức được gần 600 đợt phát động quần chúng, thu hút trên 109.278 lượt người tham gia; phối hợp vận động Nhân dân, các hội viên, đoàn viên đóng góp hơn 5.387.960.000 đồng, 11.375 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 102,75 km đường giao thông nông thôn, đường bê tông và 7,97 km đường trục nội đồng, 2,5 km kênh mương; vận động hiến trên 30,4 ha đất làm hội trường, nhà văn hóa thôn, bon, bản… vận động Nhân dân quyên góp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng được trên 30 ngôi nhà đại đoàn kết, 03 ngôi nhà mái ấm tình thương và 07 căn nhà cho các hộ nghèo; vận động đồng bào DTTS đấu tranh ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước với hơn 137.000 lượt người tham dự, trong đó có trên 80% là đồng bào DTTS.
Thứ hai, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Trên lĩnh vực an ninh trật tự, người có uy tín luôn giữ vai trò trung tâm đoàn kết trong cộng đồng DTTS, tuyên truyền, giải thích vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, tham gia vận động quần chúng thực hiện các phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư", "Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc", "Điểm sáng vùng biên"... đã phối hợp tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm được 102 đợt với hơn 12.000 lượt người tham gia; phối hợp với lực lượng Công an tổ chức 19 buổi diễn đàn Công an xã lắng nghe ý kiến của nhân dân, với 1.255 lượt người tham gia; vận động giao nộp vũ khí được 01 khẩu súng AK, 07 khẩu súng kíp tự chế, 04 vũ khí thô sơ, 10 súng nhựa tự chế bắn cồn, 02 quả lựu đạn, 01 đầu đạn…
Thức ba, trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, người có uy tín luôn là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, là tấm gương sáng, động viên con cháu, bà con tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cầu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiền bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất bán ra thị trường… góp phần từng bước ổn định cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông có 40/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 66,66%), 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 8,33%). Có được kết quả như trên là nhờ có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong đó không thể thiếu vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ đã trực tiếp đứng ra vận động Nhân dân đồng thuận tham gia, góp công, góp của, cho đến việc giám sát trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thứ tư, vận động cộng đồng DTTS tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đoàn kết dân tộc. Nhiều người có uy tín là cán bộ hưu trí, là các già làng, trưởng bản, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhiệm các chức vụ như bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn, bon, trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể; tham gia làm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ an ninh; là hội viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thông qua việc xây dựng quy ước, hương ước trong thôn, buôn, bon, người có uy tín đã động viên người dân phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, hoạt động của các thế lực thù địch, qua đó đã cùng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Trong thời gian qua các cấp ủy, chính quyền cùng người có uy tín vận động đồng bào DTTS tham gia gần 200 hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với trên 6.000 lượt người tham gia. Vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thứ năm, vai trò của người có uy tín trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc bảo tồn, kế thừa, phát huy văn hóa cồng chiêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc. Trong 20 năm qua, người có uy tín đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truyền dạy 03 lớp dệt thổ cẩm; 68 lớp cồng chiêng, 14 lớp dân ca, 16 lớp nhạc cụ, 6 lớp đan lát làm cây nêu và thành lập được 07 đội văn nghệ dân gian. Ngoài ra, người có uy tín thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về công tác bảo tồn nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc giúp cho lực lượng này nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc khôi phục, phát huy các lễ hội truyền thống. Thông qua việc giảng dạy thực tế và kiến thức đã được học, lực lượng người có uy tín sẽ trực tiếp tuyên truyền, vận động con em giữ gìn được phong tục tập quán của dân tộc mình; giữ gìn tiếng nói, trang phục, các lễ hội… Họ vận động con em, gia đình, dòng tộc hưởng ứng lễ hội để con cháu trong gia đình hiểu được giá trị của lễ hội, hiểu được truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Trong thời gian tới, để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo một cách linh hoạt, khôn khéo, kịp thời, phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán của từng người, từng dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Hai là, đẩy mạnh các giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, trong tôn giáo.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo". Tăng cường công tác vận động, nắm bắt tình hình quần chúng nhân dân, nắm bám cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là tình hình dân tộc, tôn giáo để tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại cũng như vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, lực lượng cốt cán, chức sắc, chức việc trong đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, phong trào “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bốn là, thường xuyên cung cấp thông tin về thời sự chính trị, kinh tế của địa phương, trong nước và quốc tế cho người có uy tín; phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Chú trọng các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, tạo điều kiện thực tế phù hợp với từng người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các hương ước, quy ước; các kế hoạch thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Sáu là, tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh đối với đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trọng tâm các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới).
Bảy là, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh mới trong vùng đồng bào DTTS, các vấn đề liên quan đến tình hình dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chú trọng công tác bồi dưỡng chính trị, trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Ngô Đức Hải