Quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh chăm lo đời sống nhân dân trong bối cảnh mới
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”, Người yêu cầu Chính phủ cần thực hiện ngay:
“1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành”.
Theo tinh thần đó, sau khi nước nhà mới được thành lập (9-1945), chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn và phức tạp bởi thù trong, giặc ngoài; cùng một lúc phải chống ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời(3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một số nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay là: Phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tổ chức quyển góp gạo, Hũ gạo tiết kiệm cứu dân nghèo; phát động phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Những giải pháp hữu hiệu đã từng bước đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, thử thách.
Để phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, theo Hồ Chí Minh điều kiện và giải pháp quan trọng trước hết là cần phát huy vai trò lãnh của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong hoạch định, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi đường lối phát triển kinh tế, văn hóa. Người yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước, các cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc phương châm: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đồng thời, phải huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước với phương châm “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.
Có thể thấy rõ, đối với Hồ Chí Minh, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là chân lý, là mục tiêu hướng tới của sự nghiệp cách mạng. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh.
Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”. Đây chính là sự tổng kết về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội đồng thời thể hiện rõ quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh chăm lo đời sống nhân dân trong bối cảnh mới
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, Đảng từng bước lãnh đạo thực hiện đổi mới toàn diện đất nước gắn với đổi mới nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Phát triển quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng về “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt cuộc sống con người”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Trong hơn 35 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Nhận thức, quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách an sinh xã hội đã được hoàn thiện qua từng kỳ đại hội; từng chủ trương, chính sách phát triển, Đảng luôn gắn chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội với phát triển kinh tế, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động của nhân dân.
Về Kinh tế: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất -kỹ thuật được tăng cường, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm từ 1990 - 2000 đạt 7,5% ,10 năm từ năm 2001 - 2010 đạt 7,25%. Trong những năm 2011 - 2015 kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng bình quân hàng năm trên 5,5% (Năm 2012: 5,25%, năm 2013: 5,45%, năm 2015 6,68%). Lạm phát giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 7% năm 2013 và 0,6% năm 2015. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo năng tăng từ 60,2% năm 2010 lên 78% năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1990 lên 1.168 USD năm 2010 và 2.109 USD năm 2015.
Hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn: dầu khí, dệt may, da giày, thủy hải sản, lương thực, cây công nghiệp...
Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Thực hiện có kết quả chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Đến năm 2015 tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 250 tỷ USD. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành. Nhà nước từng bước tạo ra khung pháp lý cho các yếu tố thị trường bằng các luật như: Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, luật đầu tư luật khuyến khích đầu tư nước ngoài, đồng thời thể chế hóa các chính sách về đất đai ,tín dụng, ưu đãi thuế...
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp (cả nước có khoảng 280 khu công nghiệp) và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp cơ cấu GDP tăng nhanh từ 28,8% năm 1995 lên 41,1% năm 2010. Tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 33,1% năm 1988 lên 38% năm 2005 và 38,3% năm 2010. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống dưới 5% đến năm 2015. Việt Nam đã gia nhập WTO, thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao, kinh tế với 190/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, WTO cùng với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam tham gia, là những cánh cửa lớn, đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập ngày càng đầy đủ, hiệu quả hơn.
Về văn hóa, giáo dục và xã hội: Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện một bước tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 63% năm 2010 lên gần 75% năm 2015. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.”. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt cùng lúc cả ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Điều này góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, ngày 7/6/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), với số phiếu kỷ lục chưa từng có (192/193 phiếu) trong 75 năm phát triển của Liên Hợp quốc đã tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực sự chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế của thời đại.
Văn hóa thể thao được quan tâm phát triển. Chú trọng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đến nay cả nước có 17 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả tốt tỉ lệ nghèo đói giảm từ 30% năm 1992 xuống dưới 7% năm 2005( theo chuẩn cũ) và từ 58% năm 1993 xuống còn 20% năm 2008 (theo chuẩn quốc tế) và dưới 5% năm 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 50% năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị luôn ở mức dưới 4%. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới: năm 2000, cả nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến giữa năm 2004, 20 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, Tỷ lệ người biết chữ đặt 90,39%, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ đạt 69%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 63 tuổi năm 1990 lên 71,3 tuổi năm 2005 và 75,4 năm 2019. Chỉ số HDI có xu hướng tăng đều và khá ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. “Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704. Với kết quả này Việt Nam đã lọt vào danh sách các nước phát triển con người cao và được xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng luôn coi trọng thực hiện bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân trong lãnh đạo đất nước. Mục đích cơ bản của quá trình lãnh đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước là nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định chính trị - xã hội. Do đó, đất nước ta đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công...
Kim Khánh