Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong quản lý kinh tế vĩ mô
1- Ví trí của Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ trong quản lý vĩ mô nền kinh tế
Lý luận về quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường và các chính sách kinh tế vĩ mô với hai chính sách chủ yếu là Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ luôn được coi là linh hồn của lý thuyết quản lý nhà nước về kinh tế. Các vấn đề quan trọng cần hiểu rõ và thống nhất ở đây là ranh giới, phạm vi, vai trò của hai chính sách, nguyên lý và cơ chế tác động của chúng.
Chính sách tài khóa là một chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản. Chính sách kinh tế vĩ mô lại là một bộ phận của hệ thống chính sách kinh tế nói chung. Các chính sách kinh tế lại là một bộ phận của hệ thống chính sách công. Các chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện chủ yếu để thực hiện chức năng quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước nhằm đạt tới các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, toàn dụng nhân lực, cân bằng cán cân thanh toán. Tuy nhiên, sự tương tác của các chính sách kinh tế vĩ mô không hề độc lập mà có tác động liên hoàn. Mặt khác, các chính sách công khác vừa tạo ra khung khổ cho các chính sách kinh tế vĩ mô, vừa tác động trực tiếp và gián tiếp đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước.
Hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm nhiều chính sách và có thể mô tả trong một hệ thống chính sách khá phức tạp, trong đó có hai chính sách trụ cột là Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ. Ngoài hai chính sách này còn có một số chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng khác như chính sách lao động - thu nhập - việc làm, chính sách thương mại, chính sách đầu tư. Tuy nhiên, chính sách tài khóa cùng với Chính sách tiền tệ luôn được coi là hai chính sách chủ yếu, chủ lực, tạo nên bộ xương sống cho hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô.
2- Sự phối hợp giữa Chích sách tài khóa và Chính sách tiền tệ
Trong ngắn hạn, Chính sách tài khóa có tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn Chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa tác động trực tiếp và gián tiếp lên tổng cầu của nền kinh tế thông qua các quyết định thu, chi hoặc thông qua sự tác động lên lãi suất. Điều đó có xu hướng ảnh hưởng đến tiền lương và giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Về mặt lý thuyết thì thấy được những ảnh hưởng của Chính sách tài khóa lên các kênh truyền dẫn của Chính sách tiền tệ, nhưng trên thực tế rất khó để cụ thể hóa (lượng hóa) rõ ràng ảnh hưởng của chính sách tài chính đến chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, Chính sách tài chính có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của Chính sách tiền tệ rất rõ nét. Nếu một Chính sách tài khóa kém bền vững lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu của chính sách tiền tệ. Kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và gây rủi ro đến sự ổn định của thị trường tài chính. Thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính của Chính phủ có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ.
Ngoài ra, Chính sách tài khóa còn có ảnh hưởng đến dòng chu chuyển vốn quốc tế, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát luồng ngoại tệ ra vào đất nước của Ngân hàng trung ương, gây rủi ro cho hệ thống tài chính: chính sách thu và chi tài khóa xây dựng không hợp lý sẽ có tác động tiêu cực tới quá trình phân bổ nguồn lực, điều này sẽ làm tăng rủi ro liên quan đến dòng vốn quốc tế. Bên cạnh đó, Chính sách tiền tệ cũng có ảnh hưởng nhất định đến chính sách tài khóa: Chính sách tiền tệ có mục tiêu chính mang tính trung hạn là ổn định giá cả, giá trị đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc kiểm soát lãi suất và cung tiền. Một chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư, thu hẹp sản xuất và có thể dẫn đến giảm nguồn thu của Ngân sách nhà nước. Lãi suất tăng hay giảm cũng ảnh hưởng đến giá trái phiếu chính phủ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Tỷ giá tăng (đồng bản tệ giảm) sẽ làm gia tăng khoản nợ chính phủ bằng đồng ngoại tệ quy đổi.
Từ những phân tích này, có thể thấy Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có sự phụ thuộc lẫn nhau, thay đổi của mỗi một chính sách sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách kia. Hơn nữa, trong thực tế, hai chính sách này lại do 2 cơ quan khác nhau điều hành cho nên cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng để tránh những bất ổn có thể xảy ra.
Từ thực tế Việt Nam cho thấy, để đảm bảo tính hiệu quả của sự phối hợp giữa hai chính sách, cần thiết phải có sự phối hợp ở những vấn đề sau:
Một là, cần có sự nhất quán về mục tiêu chính sách nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô là lạm phát ổn định, tăng trưởng bền vững và tạo nhiều công ăn việc làm. Ở Việt Nam, các mục tiêu chính sách cơ bản đảm bảo sự nhất quán, tuy nhiên vấn đề quan trọng đảm bảo tính hiệu quả của cả hai chính sách khi theo đuổi mục tiêu đó là quyết định lựa chọn đúng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa là công cụ chính tác động đến tổng cầu/hoặc liều lượng tác động của từng công cụ đến tổng cầu bao nhiêu là nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và công ăn việc làm trong từng tình hình kinh tế cụ thể, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát còn tiềm ẩn như hiện nay.
Hai là, phối hợp trong tài trợ thâm hụt ngân sách: Đây là vấn đề rất quan trọng, đảm bảo tính hiệu quả của cả hai chính sách. Một liều lượng hợp lý cho việc bù đắp thâm hụt ngân sách từ hệ thống ngân hàng, từ vay nước ngoài sẽ hỗ trợ, mang lại hiệu quả nhất định cho thực thi chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Để đảm bảo sự phối hợp tốt trong việc tài trợ này, thông thường hàng năm các nước phải thiết lập chương trình tài chính quốc gia, chương này là một hệ thống các giải pháp vĩ mô đồng bộ. Trong đó, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp với nhau từ khâu lên kế hoạch đến khâu thực hiện. Mặt khác, thay bằng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phát hành tiền trực tiếp thì Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước. Trong điều kiện cần tăng cung tiền cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể mua trái phiếu chính phủ. Hoặc khi thiếu công cụ điều tiết tiền tệ, chính phủ (thông qua Bộ Tài chính) có thể chủ động phát hành trái phiếu để Ngân hàng Nhà nước mua, điều này vừa tạo thêm cho Ngân hàng Nhà nước công cụ để điều tiết thị trường tiền tệ, qua đó có thể giảm được khối lượng tiền trong lưu thông. Hiện nay, trong vấn đề này sự phối hợp gữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính còn hạn chế.
Thành Châu