Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà chiến lược quân sự thiên tài. Người đã dành trọn cuộc đời mình để nghiên cứu lý luận, đề ra đường lối cách mạng Việt Nam, tổ chức xây dựng của lực lượng vũ trang Nhân dân và trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong hệ thống di sản tư tưởng mà Người để lại cho Nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới, tư tưởng về quân đội và xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm một vị trí trọng yếu, là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người, có vai trò đặc biệt quan trọng, chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà cốt lõi là chiến tranh Nhân dân Việt Nam là sự kế thừa đầy sáng tạo truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc. Từ kinh nghiệm của hành trình tìm đường cứu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, Người rút ra kết luận, các dân tộc thuộc địa muốn giải phóng phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải lấy dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin. Mục tiêu hàng đầu của cách mạng giải phóng dân tộc là chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc giành độc lập. Trong mục tiêu đó, phải đặt vấn đề quân sự, quân đội trong chiến lược chung của cách mạng giải phóng dân tộc, bởi vì: “chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[1]. Cho nên, dân tộc Việt Nam muốn được giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp và “muốn đánh chúng phải có lực lượng quân sự”[2].
Biểu hiện cao nhất của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là “quân sự phục tùng chính trị”, “quân sự mà không có chính trị như cây không gốc, vô dụng lại có hại”[3]. Điều đó có nghĩa là quân sự phải là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập và bảo vệ nền độc lập. Đấu tranh quân sự phải kết hợp với các mặt đấu tranh khác và dựa vào sức mạnh của toàn bộ công cuộc giải phóng dân tộc, dựa vào cuộc vận động quần chúng của Đảng theo định hướng chính trị của cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Quân đội của Nhân dân vừa đánh giặc ngoại xâm, vừa chống giặc đói, giặc dốt; vừa chiến đấu ở tiền tuyến, vừa tham gia giảm tô, thực hiện cải cách dân chủ từng bước ở hậu phương để tạo thêm sức mạnh quân sự mới. Đó là kết quả của quá trình giải quyết những vấn đề quân sự với sức sáng tạo lớn lao cả về lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc giải quyết những vấn đề quân sự không chỉ xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước mà còn gắn liền với những biến đổi của thời đại, với điều kiện quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong công cuộc giải phóng phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[4] nhưng đồng thời phải biết tận dụng những điều kiện khách quan có lợi. Người căn dặn: “bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”[5]. Do đó, những thắng lợi tạo ra những bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đều căn cứ vào tình hình trong nước và những biến chuyển của tình hình quốc tế, của phong trào cách mạng thế giới. Đó chính là sự vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nguyên lý chung của học thuyết quân sự Mác – Lênin với khẩu hiệu “vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, để giải quyết những vấn đề quân sự của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Đối lập với quan điểm coi sức mạnh chiến tranh là sức mạnh của đầu súng, là sức mạnh của vũ khí, kỹ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sức mạnh quân sự, sức mạnh chiến tranh là sức mạnh tổng hợp của khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân. Vì vậy, người cán bộ cách mạng phải biết “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ”[6] làm cho nhân dân ai cũng đồng tình, đồng sức hăng hái tham gia cách mạng. Với quan điểm “mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào”[7] đánh dấu bước phát triển mới của tư duy về đánh giá so sánh lực lượng. Cho nên, trong đấu tranh cách mạng, ta không choáng ngợp, sợ hãi trước bom đạn, vũ khí hiện đại của kẻ thù.
Để tạo ra sức mạnh quân sự hơn hẳn địch, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh chỉ ra trước hết phải có đường lối đúng, chiến lược đúng. Trong khởi nghĩa, Người đề ra chiến lược khởi nghĩa toàn dân, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa đánh đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong chiến tranh, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến lâu dài. Bao gồm cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần, cả tiềm lực kinh tế, quân sự, truyền thống dân tộc, trí tuệ con người. Hay nói cách khác là phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp: chính trị và quân sự, tiền tuyến và hậu phương, dân tộc và thời đại.
Để tạo sức mạnh tổng hợp, Người nhấn mạnh, phải biết vận dụng mối quan hệ giữa lực, thế, thời trong từng tình huống chiến tranh cụ thể. Người nói, “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được vật nặng hàng chục, hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”[8]. Cùng với đó, Người coi trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa là các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hành động quân sự đạt hiệu quả cao. Trong sức mạnh tổng hợp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng phát huy ý chí chiến đấu đồng thời với trí thông minh, tài thao lược.
Có thể khẳng định, chiến tranh toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát huy mạnh mẽ lực lượng chính trị, tinh thần, lực lượng vật chất, cả nhân tố chủ quan và khách quan, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù hung ác. Đó chính là đóng góp to lớn của Người vào kho tàng lý luận quân sự mác xít.
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng quân đội cách mạng ở các nước thuộc địa về bản chất phải khác hẳn quân đội của các đế quốc xâm lược. Người đã khai sinh Quân đội Nhân dân với Bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực…; cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”[9]. Người chỉ rõ, quân đội ta phải là đội quân vì Nhân dân phục vụ, được dân tin, dân phục, dân yêu, muốn vậy phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, làm tốt công tác chính trị để xây dựng, tăng cường bản chất cách mạng của quân đội, làm cho quân đội ta luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân.
Người coi trọng xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Từ chiến thuật đến tầm chiến lược; từ kinh nghiệm chiến đấu của cha ông cho đến những kiến thức tác chiến hiện đại; từ kinh nghiệm đánh du kích đến tác chiến chính quy hiệp đồng quân, binh chủng; từ tổ chức xây dựng lực lượng đến cách huấn luyện, tổ chức chiến đấu cho bộ đội. Người chỉ rõ là đội quân cách mạng, nên mọi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỷ luật nghiêm minh, trên dưới đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ “Vệ Quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân”[10]. Cùng với đó, Người dạy cách xây dựng tình đoàn kết cán bộ và chiến sĩ, Người luôn căn dặn, cán bộ các cấp phải thương yêu nhau, chăm sóc đời sống chiến sĩ: “Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu”[11]; “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”[12]. Đặc biệt, Người quan tâm xây dựng “nền Nhân dân” của quân đội ta,“nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”[13]. Do đó, cùng với nhiệm vụ đánh giặc, bảo vệ đất nước, bảo vệ tính mệnh, tài sản của Nhân dân, quân đội ta còn phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, giúp đỡ Nhân dân, thực hiện chức năng là đội quân công tác của Đảng. Gắn bó máu thịt với Nhân dân là nguồn sức mạnh vô địch của quân đội ta.
Có thể nói, là sản phẩm của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Quân đội ta thực sự là quân đội của dân. Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nhân dân ta giành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội thể hiện lòng biết ơn của toàn dân với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư cách của anh Bộ đội Cụ Hồ là nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ lịch sử oanh liệt của dân tộc ta. Đặt vấn đề quân sự trong cách mạng giải phóng dân tộc nằm trong quỹ đạo cách mạng vô sản; lý luận về sức mạnh tổng hợp, về sức mạnh chiến tranh toàn dân, toàn diện, về xây dựng một Quân đội kiểu mới ở một nước thuộc địa cùng thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc đã thể hiện sức sáng tạo, sức sống mãnh liệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.96.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.5, tr.239.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.6, tr.318.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.3, tr.554.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.7, tr.317.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t. 1, tr .209.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t. 5, tr 179.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.12, tr 567.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t. 3, tr.539.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t. 5, tr.330.
[11]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.5, tr.204.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.6, tr.207.
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.5, tr. 393.