Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Đắk Nông giảm hơn 8%, sau 03 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU
Ngày 16/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 13-NQ/TU). Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025”, nhằm hướng đến và góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
Từ quan điểm, mục tiêu đã đề ra, trong những năm qua, các chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tiếp tục được triển khai thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, góp phần trợ giúp những đối tượng khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, đạt được nhiều kết quả rất tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 11,19% cuối năm 2021 giảm còn 2,99% cuối năm 2024; thu hẹp chênh lệch khoảng cách về giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025, đưa kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng của từng tập thể, cá nhân, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan liên quan và các địa phương. Do đó, các cơ quan , đơn vị đã kịp thời xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU nghiêm túc và hiệu quả.
Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên theo dõi, đứng điểm địa bàn các huyện, xã, thôn, tổ dân phố để thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; trong đó, cấp tỉnh thực hiện phân công địa bàn huyện, thành phố cho từng thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh để theo dõi, chỉ đạo thực hiện, phân công các Sở, Ban, ngành, đơn vị kết nghĩa giúp đỡ các xã miền núi. Ở các huyện nghèo và xã nghèo, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nhất là họp giao ban, trực báo để chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo.
Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ thực trạng nghèo để giao chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm; phân bổ nguồn lực để thực hiện các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bền vững, phù hợp với nguyên nhân, điều kiện, nguyện vọng của từng hộ nghèo; phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm nghèo được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững đây là nhiệm vụ chính trị và việc làm thường xuyên, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ động lồng ghép các mục tiêu của Nghị quyết số 13-NQ/TU vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đặc biệt Nghị quyết số 13-NQ/TU được ban hành cùng trong thời điểm Trung ương ban hành 03 Chương trình MTQG, gồm: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới nên trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng lồng ghép mục tiêu, nội dung, giải pháp, nguồn lực, phối hợp để đẩy mạnh các nhiệm vụ và giải pháp, từ đó tạo ra hiệu quả rất tốt trong việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU đã đề ra.
Sau 03 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ thuộc các Chương trình MTQG, trong đó có các nhiệm vụ cụ thể hóa công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết để thực hiện 03 Chương trình MTQG; 02 nghị quyết để thực hiện riêng cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành trên 05 kế hoạch và trên 10 quyết định để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025, xác định nguồn lực chủ yếu để triển khai thực hiện là sự lồng ghép nguồn lực từ 03 Chương trình MTQG (Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới). Theo đó, tổng số vốn được bố trí trong 3 năm (2022, 2023, 2024) để thực hiện các chương trình MTQG là 3.012.037 triệu đồng (ngân sách trung ương là 2.382.262 triệu đồng, ngân sách địa phương là 629.775 triệu đồng); trong đó nguồn lực từ riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã bố trí trong 03 năm (2022 -2024) là 897.244 triệu đồng.
Ngoài việc thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo riêng của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND, ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, năm 2023, tỉnh đã bố trí tổng số tiền trên 31.000 triệu đồng để thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo tiếp tục được nâng lên. Các huyện nghèo, xã nghèo và thôn đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được quan tâm hỗ trợ các điều kiện để cải thiện tiêu chí thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước và huy động, trợ giúp của cộng đồng, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập như vay vốn ưu đãi, học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng toàn diện, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ. Hộ thoát nghèo được động viên, khen thưởng và tiếp tục hưởng một số chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh về giáo dục (Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND). Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả (Đắk Song triển khai mô hình “5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo”), từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao hằng năm.
Bên cạnh những kết quả đtạ được là chủ yếu, công tác giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Một bộ phận cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo, dẫn đến người nghèo, xã nghèo vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức, đoàn thể vẫn chưa triển khai một cách đồng bộ việc thực hiện phân công cụ thể đoàn viên, hội viên của tổ chức mình giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Sự phối hợp của một số sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện đến công giảm nghèo đôi lúc, đôi nơi chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, kịp thời về các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối hộ nghèo. Cơ quan thường trực giảm nghèo ở các cấp còn bị động trong quá trình phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất những vấn đề có liên quan đến công tác giảm nghèo của địa phương.
Kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, còn xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới; Đắk Nông là tỉnh có điểm xuất phát thấp về điều kiện kinh tế - xã hội, địa hình đồi núi phức tạp, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đặc biệt hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tỷ lệ rất cao, bên cạnh đó hằng năm dân di cư tự do đến tỉnh Đắk Nông đa số là hộ nghèo, hộ mới tách ra từ hộ nghèo, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác giảm nghèo hằng năm tại tỉnh. Tuy địa phương đã tập trung ưu tiên nguồn lực và chính sách giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến cuối năm 2024 vẫn còn 02 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là huyện Tuy Đức và Đắk Glong.
Thanh Bình