Ngày 02/9/1945, Hà Nội được vinh dự thay mặt các địa phương trong cả nước, tổ chức ngày lễ độc lập để Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào; đồng thời nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập thể chế dân chủ cộng hòa.
Từ sáng sớm, cả Hà Nội bừng lên trong màu cờ đỏ sao vàng và đèn, hoa rực rỡ. Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã khắc ghi vào tâm khảm và ở trong trí nhớ của mỗi người con đất Việt.
.jpg)
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định giá trị về quyền con người
Bản Tuyên ngôn Độc lập nói đến giá trị sống, về quyền tự nhiên của con người, đó là quyền được hưởng tự do, bình đẳng. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai đoạn văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789.
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến, “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”[2]. Rõ ràng, với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[3]. Nếu so sánh với đoạn văn được trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ thì có thể nhận thấy một cụm từ khác nhau “Tất cả mọi người” được thay bằng “ Tất cả các dân tộc” và “dân tộc nào cũng có quyền”. Như vậy, Người đặt cách mạng Việt Nam vào vị thế ngang hàng với các cuộc cách mạng vĩ đại của thế giới và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền độc lập dân tộc của Việt Nam cũng như quyền của các dân tộc trên thế giới. Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam và các dân tộc đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được.
Tuyên ngôn Độc lập lên án sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân
Bằng ngôn từ giản dị nhưng lời lẽ uyển chuyển, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, cứng rắn nhưng giàu tính nhân văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phơi trần bản chất xấu xa, vô nhân đạo của thực dân Pháp, đi ngược lại những tuyên bố bất hủ về quyền tự do bình đẳng của họ, “hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”[4]; Chúng đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”[5], thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ nghèo nàn. Sau ngày 9/3/1945, thực dân Pháp thua chạy, dã man và hèn hạ hơn nữa, “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”[6]. Và từ đó, Người khẳng định: trong thời đại mới, không chỉ chế độ phong kiến chuyên chế mà chủ nghĩa thực dân với bản chất tàn bạo của nó cần được xóa bỏ, để bảo vệ quyền và nhân phẩm của con người.
Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc Việt Nam
Từ những chứng cứ về tội ác của kẻ thù, Tuyên ngôn Độc lập ra đời giữa khát vọng độc lập, tự do của hơn hai mươi triệu đồng bào và lòng yêu nước cháy bỏng. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[7]. Và, với quyết tâm sắt đá “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”[8]. Thế là, chỉ trong một đoạn văn ngắn, đã ba lần Hồ Chí Minh nhắc đến “ tự do, độc lập” với ba ý nghĩa nối tiếp nhằm thể hiện khát khao tự do, khát khao độc lập đến nhường nào! Bản Tuyên ngôn đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập tự do. Lời tuyên bố đanh thép ấy cũng chính là “Lời thề giữ nước” của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, một quyết tâm sắt đá. Để từ đó, từ lời tuyên thệ “quyết giữ vững tự do và độc lập” trong kháng chiến chống Pháp đến chân lý ngời sáng “ Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong kháng chiến chống Mỹ chính là phương châm hành động, là minh chứng hùng hồn cho sức sống vĩnh cửu của Tuyên ngôn Độc lập.
“Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác của tiền bối…, của bao nhiêu sách báo bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm nay. Bản tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”[9]. Rõ ràng, bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới. Đó không chỉ là văn bản khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà còn là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập đã thực tỉnh, lay động, cỗ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc.
Năm tháng đã đi qua và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã đi xa, nhưng giá trị lớn lao của bản Tuyên ngôn Độc lập mùa Thu năm ấy mãi mãi trường tồn, đó là bản hùng ca bất diệt, một áng văn mẫu mực không thể phai mờ. Tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn sống mãi trong trong trái tim mỗi người dân đất Việt hôm nay và mai sau. Ánh sáng của Tuyên ngôn độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[9] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.CTQG, tr. 122-123.