Bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận là một yêu cầu tất yếu của nền báo chí Việt Nam
Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân. Do đó, việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Báo chí, xuất bản... làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những gương điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin”[1].
Tuy nhiên, không khó để thấy những chiêu bài nhằm chống phá trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của những kẻ luôn nuôi tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Chúng cho rằng, Việt Nam không có tự do về báo chí, không có tự do ngôn luận, đặc biệt vào những thời điểm Đảng, Nhà nước ta khởi tố các đối tượng lợi dụng tự do, dân chủ nhằm tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, thì các thế lực thù địch bên ngoài lại rêu rao đó là “hành động bóp nghẹt tự do ngôn luận”, “triệt tiêu quyền tự do báo chí”?! nhằm kích động, kêu gọi bạo động, làm mất trật tự, ổn định trong nước để trục lợi, tiếp đó là vu khống, bịa đặt trắng trợn về những vấn đề tự do ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận. Hơn thế, khi mà Luật An ninh mạng ra đời (năm 2018) thì các thế lực thù địch lại rêu rao rằng luật này chống lại loài người và chống lại các giá trị dân chủ, tự do ngôn luận...
Thực tế, không khó để nhận ra đây chỉ là một trong nhiều chiêu bài nhằm chống phá Việt Nam, kích động sự chia rẽ, đi cùng với các chiêu bài “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tự do báo chí và phủ nhận những kết quả, nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong tạo điều kiện cho báo giới hoạt động và bảo đảm quyền biểu đạt, tự do thông tin của người dân là xuyên tạc sự thật khách quan, trong khi tự do ngôn luận, tự do báo chí được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo và tạo điều kiện cho báo giới hoạt động và bảo đảm quyền biểu đạt, tự do thông tin. Vì thế, việc phát triển nền báo chí tự do, nhân văn và hiện đại cũng như bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã trở thành một yêu cầu tất yếu, một đòi hỏi khách quan của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do báo chí
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một cây bút xuất sắc, nhà báo lỗi lạc. Người rất coi trọng vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận, coi đó là một trong những quyền tự do cơ bản của nhân dân, điều này được thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời làm báo của Người, bởi một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng là “đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”[2], trong đó có quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí.
Bác Hồ đọc báo Nhân dân tại chiến khu Việt Bắc (Ản:Tư liệu)
|
Năm 1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua, Người chỉ rõ thực trạng ở Việt Nam dưới sự thống trị của thực dân Pháp: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”[3]. Cho nên, Người kiên quyết đấu tranh để có quyền tự do báo chí trong nước.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự do báo chí gắn liền với tự do tư tưởng, bởi vậy Người xác định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”[4]. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”[5].
Để bảo vệ và thực hành sự tự do báo chí thực sự, báo chí cách mạng phải là “vũ khí sắc bén”, giàu tính chiến đấu, sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, những thế lực phản cách mạng. Do đó, người cầm bút phải có dũng khí, kiên định, đặc biệt là phải có lập trường chính trị vững chắc để làm tròn nhiệm vụ là người tuyên truyền, người cổ động và tổ chức, hướng dẫn nhân dân tạo nên các phong trào thi đua cách mạng, “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”[6].
Bảo đảm quyền tự do báo chí là yêu cầu tất yếu của nền báo chí Việt Nam
Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động báo chí, truyền thông; quyền tự do tiếp cận thông tin; quyền tự do cá nhân và các tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước báo chí, truyền thông. Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân.
Điều 10, Hiến pháp năm 1946 quy định một cách khái quát là: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Điều 67, Hiến pháp năm 1980: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”. Điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ngày càng được hiện diện trong thực tiễn cuộc sống, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí. Trong đó, Điều 3 Luật Tiếp cận thông tin quy định: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 quy định: Công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức cùa Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh tinh thần nhiệm vụ của nền báo chí Việt Nam trong thời đại mới, đó là “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”[7]. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin, hàng loạt phương tiện truyền thông, mạng xã hội ra đời, nhiều nguồn thông tin được tạo ra và lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt. Cùng với đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để bóp méo, xuyên tạc, vu khống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Bởi vậy, để vạch trần những thông tin độc hại, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, báo chí, truyền thông cần có những sự tăng cường mạnh mẽ về chất lượng và cường độ hoạt động của mình nhằm: “Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội... tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí”[8].
Để làm được điều đó, trước hết là cần tìm ra cách thức chuyển tải, phản ánh đúng sự thật khách quan về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, định hướng dư luận, tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, “Tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”[9]; đồng thời kiên quyết “xử lý nghiêm theo quy định Đảng và pháp luật cùa Nhà nước đối với các cơ quan bảo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”[10].
Rõ ràng, bất chấp sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, báo chí Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú của nhân dân, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Cẩm Trang
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 116.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, H. 2011, t. 3, tr. 22.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, H. 2011, t. 1, tr. 34 – 35.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CQGST, H. 2011, t. 10, tr. 378.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQGST, H. 2011, t.4, tr. 166.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, H. 2011,. 5, tr. 157.
[7] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H. 2021, t.1, tr.146.
[8] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, HN 2021, tập II, tr. 233-234.
[9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H.2021, t.II, tr.234.
[10] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H.2021, t.II, tr.234.