Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Như vậy, văn hóa được Người quan niệm như là một trong bốn lĩnh vực cấu thành đời sống xã hội và văn hóa cần phải được coi trọng ngang với chính trị, kinh tế, xã hội. Tư tưởng của Người một mặt nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, ngang với các lĩnh vực trọng yếu khác, mặt khác phê phán việc quan điểm coi nhẹ lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa như lĩnh vực phụ, ăn theo các lĩnh vực khác, không thấy vai trò nền tảng, vai trò sáng tạo, dẫn dắt của văn hóa.
.jpg)
Hình ảnh sưu tầm
Phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đường lối văn hóa của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 1999 trở lại đây việc khôi phục, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng, các dân tộc thiểu số cả nước nói chung đã đạt được những kết quả rất lớn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng đã có rất nhiều Đề án lớn về tìm kiếm, khôi phục, bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Đề án mỗi dân tộc có một làng văn hoá bảo tồn; đề án bảo tồn văn hóa của các dân tộc ít người đang bị mai một v.v... Từ chủ trương đúng đắn của Đảng văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc đã được tìm kiếm, khôi phục, bảo tồn và phát huy.
Công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu lịch sử từng bước được quan tâm và triển khai thực hiện để phục vụ quá trình nghiên cứu lịch sử địa phương. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử đã và đang từng bước được đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 11 di tích được nhà nước xếp hạng[1] các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh tại các điểm di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và Nhân dân đã tổ chức chăm lo, gìn giữ, dâng hương tri ân các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ… Tại đây, Nhân dân nhất là thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên có dịp được nghe, hiểu hơn và trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc. Các di tích không chỉ là nơi tổ chức lễ hội mà còn là những "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai nội dung Giáo trình lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, ngành học, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh. Trong năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã hoàn chỉnh, phát hành tài liệu “Tình hình nhiệm vụ địa phương”; Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai biên soạn, hoàn chỉnh tập giáo trình “Tài liệu giáo dục địa phương (lớp 2, lớp 6)” để đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố niềm tin và xây dựng những hiểu biết nhất định của học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương và giá trị các di sản văn hóa, đồng thời tích cực tham gia vào bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử ở địa phương. Hệ thống di tích ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học còn bao hàm cả giá trị về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích. Các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác lịch sử Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử dân tộc, bảo vệ nền tảng tử tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, trước những tác động phức tạp của quá trình hội nhập quốc tế, nhất là làn sóng văn hóa mới đối với giới trẻ, việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Vấn đề lớn nhất là việc giữ gìn, khai thác, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống một cách bền vững. Những năm qua chúng ta đã làm tốt công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng việc phát huy, thực sự gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để giải quyết thách thức này, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển văn hóa xuyên suốt của Đảng, từ thực tiễn Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII (2020 - 2025) yêu cầu “thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống” và giải pháp “Khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hoá - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”. Ngay sau Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh, Ban chấp hành Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành 02 chương trình hành động về (1) Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông và (2) Phát triển du lịch và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp căn cơ, tổ chức thực hiện tốt giải pháp sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ được bảo tồn mà còn được quảng bá, và trở thành nguồn sinh kế cho chính cộng đồng.
Sớm nhận thức được quan điểm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế, Đắk Nông đã sớm nghiên cứu, khai thác các giá trị về địa chất, địa mạo của hệ thống hang động núi lửa đặc trưng, gắn với các giá trị văn hoá. Thành công trong việc được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (7/2020), đã mở ra cơ hội cho sự phát triển dựa trên nền tảng những đặc trưng văn hóa bản địa của Đắk Nông[2]. Đi theo hướng mới, Đắk Nông đã nghiên cứu, tiếp nhận kinh nghiệm trong và ngoài nước để định hướng bảo tồn các giá trị văn hóa bằng việc thực hiện phát triển du lịch cộng đồng, với chủ thể tham gia trực tiếp và chủ yếu của người dân bản địa, cộng đồng địa phương trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Kết quả bước đầu đã khẳng định tính đúng đắn của của chủ trương này. Từ những yêu cầu của phát triển du lịch, ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, v.v...), văn hóa cồng chiêng việc nghiên cứu, học hỏi các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống (để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách) đã dần được tự thân cộng đồng khôi phục, phát huy (với sự hỗ trợ của ngành văn hóa). Từ đầu năm 2021, Đắk Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mạ trong khuôn khổ Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”. Nối tiếp thành công của Lễ hội thổ cẩm 2020 và nâng tầm cho thổ cẩm Việt đến với công chúng quốc tế, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL - UBND tỉnh Đắk Nông và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Truyền thông – Quảng cáo Tấm và Cám phối hợp thực hiện show thời trang thổ cẩm với chủ đề “Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow trong khuôn khố Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai, UAE. Điểm đặc biệt chính là sự góp mặt của chính các nghệ nhân người dân tộc thiểu số của tỉnh.
Sau gần 20 năm tái thành lập, Đắk Nông đã có bước phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước hết, tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Cơ chế quản lý vẫn còn dấu ấn hành chính - mệnh lệnh, áp đặt; các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa còn bị sa đà vào các hoạt động văn hóa cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm, vai trò của xã hội, của cộng đồng, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp. Không ít dự án, kế hoạch được xác định và xây dựng từ cấp vĩ mô, chưa xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cơ sở.
Hai là, cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các dự án bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu kép này, phải có chính sách hồ trợ, đầu tư kinh phí, để bà con thực hiện, bởi bảo tồn để phát triển cần đầu tư nhiều, cả trong nghiên cứu, đầu tư cả trong thực thi, đầu tư cả xây dựng môi trường bảo tồn di sản văn hóa đó. Tuy nhiên hiện nay, một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS chưa bắt kịp với những thay đổi mau lẹ của thực tiễn. Thực tế này dẫn đến khó khăn không nhỏ cho địa phương trong việc xây dựng phương án, áp dụng chính sách hỗ trợ cho các dự án.
Để giải quyết điểm nghẽn này cần bổ sung và sửa đổi các luật liên quan đến quản lý di sản văn hóa, du lịch, xây dựng, v.v... nhằm xác lập vai trò của cộng đồng đối với bảo tồn di sản; vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện quy định, cơ chế đặc thù trong việc quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch di sản; gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Ba là, cơ chế thanh lọc, ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quá trình tiếp biên văn hóa toàn cầu. Đây vẫn là điểm yếu trong quản lý nhà nước về văn hóa. Sự phát triển rất nhanh của các công cụ đa phương tiện, truyền thông số, mạng xã hội đã mang lại cơ hội hưởng thụ nhiều giá trị văn hóa mới, nhưng cũng là nguy cơ tạo làn sóng lấn át, cuốn trôi những giá trị văn hóa truyền thống. Đây là vấn đề không mới, nhưng những năm qua chúng ta vẫn lúng túng trong cách quản lý, định hướng giá trị văn hóa - lịch sử, nhất là cho lớp trẻ.
Bốn là, nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa ở cơ sở thực sự chưa đáp ứng, theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng, và phức tạp của hoạt động văn hóa. Với đặc thù không gian, địa lý như ở Đẳk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung, chức danh công chức thực hiện 02 nhiệm vụ “văn hóa” và “xã hội” như hiện nay, yêu cầu làm tốt công tác quản lý, định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở cơ sở là không thể. Cấp thiết cần có cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa đồng bộ, phù hợp với đặc điểm vùng, miền, với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; xây dựng cơ chế phù hợp để bàn giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Có chính sách, cơ chế khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số sáng tác và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Năm là, phải xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hóa chính là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội; động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội cũng phải được tìm trong văn hóa, trong nguồn lực con người, trong tiềm năng sáng tạo của con người và trong các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế, chạy theo tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào; không phải là hy sinh mặt xã hội, hy sinh văn hóa, hy sinh phẩm giá con người. Phát triển phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì tự do, hạnh phúc của con người, vì phúc lợi của Nhân dân. Đây mới là sự phát triển bền vững, toàn diện, bao trùm mà Bác Hồ và Đảng ta đã nhất quán chủ trương.
Việc gìn giữ, tôn tạo và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử văn hóa là việc làm mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là biểu hiện của sự đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống “uống nước - nhớ nguồn” là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào việc giữ gìn và làm phong phú cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Như vậy, để tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy, chính quyền địa phương, để di tích lịch sử - văn hóa thực sự là cội nguồn, gốc rễ của văn hóa dân tộc - văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đoàn Văn Kỳ
[1] 01 di tích Quốc gia đặc biệt (di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức); 07 di tích Quốc gia và 03 di tích cấp tỉnh: di tích lịch sử cấp Nhà ngục Đắk Mil; Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh; Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào Mnông do N’Trang Lơng lãnh đạo; Địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh; Địa điểm chiến thắng đồi 722 - Đắk Sắk, Di tích Địa điểm chiến thắng Tây Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp.
[2] Tình Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành ba tuyến du lịch với chù đề "Xứ sở của những âm điệu” bao gồm: "Trường ca cùa Lửa và Nước," "Bàn giao hường của Làn gió mới" và "Âm vang từ Trái Đất" trài dài trên 6 huyện, thành phố trên cơ sở các giá trị địa chất, văn hóa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.