Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” - Niềm tự hào thúc giục Việt Nam tiến bước
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972, được coi như một “Điện Biên Phủ trên không”. Sau 50 năm nhìn về quá khứ, chiến thắng này luôn là niềm tự hào, là động lực thúc giục chúng ta đi tới, giành nhiều thắng lợi trên hành trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Từ đêm 18 đến sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, với thái độ ngông cuồng và mưu toan tàn phá miền Bắc, đặc biệt là hai thành phố lớn và Khu Công nghiệp, đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, được gọi là Chiến dịch Linebacker II - làm cho ta suy yếu để gây sức ép trong đàm phán tại Hội nghị Pari. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
.jpg)
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. Ảnh sưu tầm.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 05 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 04 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 01 chiếc F-105D; 02 chiếc RA-5C; 01 chiếc trực thăng HH-53; 01 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không- Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch. Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao.
Đây là cuộc chiến tranh điện tử, chiến tranh công nghệ cao điển hình của đế quốc Mỹ với những nỗ lực cao nhất, những âm mưu, thủ đoạn tác chiến tinh vi, nham hiểm nhất. Nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ. Nhớ lại sự kiện này, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao,Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari Nguyễn Thị Bình đã viết: “Bạn bè quốc tế lúc đó cũng rất lo cho chúng ta. Nếu chúng ta không chịu nổi thì không biết cái gì sẽ xảy ra. Nhưng khi nghe tin quân ta bắn rơi chiếc B52 đầu tiên, chúng tôi đã thở phào và vô cùng sung sướng. Vậy là chúng ta có khả năng đánh bại lực lượng không quân mạnh nhất của Mỹ. Và khi 2, 3, 4, 5, 6 chiếc B52 bị bắn rơi thì dư luận thế giới đã đồng thanh đánh giá: Mỹ đã thất bại không chỉ về quân sự mà cả về chính trị...”.

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không - Ảnh sưu tầm
Thắng lợi của quân và dân ta trong việc đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, làm nên một “Điện Biên phủ trên không” là một thắng lợi có một không hai trong lịch sử. Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”[1]. Trong hồi ký của mình, Níchxơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”[2]. Đúng như vậy, với việc đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên bầu trời Hà Nội chúng ta đã buộc Mỹ phải cút khỏi miền Nam Việt Nam. Từ thắng lợi có tính bản lề này, hai năm sau, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chúng ta đã thu non sông về một mối, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Lịch sử của dân tộc mà Mỹ đã từng huênh hoang cho trở về thời kỳ “đồ đá” đã bước sang kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do và cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”, không chỉ làm nức lòng Nhân dân cả nước mà còn làm cho đông đảo Nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên toàn thế giới rất đỗi vui mừng. Việt Nam trở thành tấm gương chói lọi và là biểu tượng của sức mạnh chính nghĩa thắng hung tàn, bạo ngược. Chiến thắng này một lần nữa khẳng định đường lối lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng ta; sức mạnh to lớn của Nhân dân ta, dân tộc ta; tinh thần sáng tạo quyết tâm làm chủ vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật; quyết tâm khai thác triệt để tiềm năng và hiệu quả của vũ khí và trang thiết bị hiện có của Quân đội ta; đồng thời đã vô hiệu hoá được sức mạnh của những trang thiết bị, vũ khí, hoả lực của địch, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà địch có thể gây ra và tận dụng hết khả năng vũ khí vốn có của mình để chiến thắng.
50 năm sau ngày chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” (1972-2022), đặc biệt sau 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra ở nhiều nơi; nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn đan xen, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn (nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước ta) đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, cấp bách hơn đối công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Phát huy tinh thần chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phạm Lục
[1] Ban Tuyên giáo Trung ương. Đề cương tuyên truyền “50 năm chiến dịch ĐIện Biên Phủ trên không”, trang 07.
[2] Ban Tuyên giáo Trung ương. Đề cương tuyên truyền “50 năm chiến dịch ĐIện Biên Phủ trên không”, trang 07.