Chùa Đại Hùng Nơi lưu dấu Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng
“Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ Mùng Mười Tháng Ba” - là nỗi niềm của toàn dân đất Việt hướng về nguồn cội. Một trong những địa điểm mà dịp này hằng năm nhân dân trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh vẫn nô nức tìm về dâng lễ là Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (thuộc Tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), đây là địa điểm tâm linh duy nhất thờ Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng tại vùng Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tương truyền từ buổi đầu dựng nước, phải tìm đất định đô, Thủy tổ Kinh Dương Vương, vị vua khai sáng ra Triều Hùng đã hướng vào vùng danh thắng Núi Hồng này. Đứng trên cao nhìn xuống, Vua thấy ở đây núi dăng nên luỹ, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng; khả dĩ con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thế thủ là đều lợi thế bậc nhất cho một vương triều mới sơ khai định đô.
Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã dựng Hoàng thành ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ[1] (nghĩa là “Ngôi Sao Đỏ”). Kinh thành xây xong, Vua cưới Thần Long làm vợ, từ đó kinh đô Ngàn Hống đã mở ra một thời kỳ mới. Sau một thời gian định đô, hai người đã sinh ra Lạc Long Quân. Để định chính đô, giữ vững giang sơn, cơ nghiệp rộng lớn của tổ tiên, Kinh Dương Vương đã thiên đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh và cử Lạc Long Quân ra trấn giữ kinh thành, từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh đô Ngàn Hống với thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi trong tâm trí dân gian, như lời bài hát “Tôi kể em nghe chuyện ngày xưa ấy, trăm cánh chim Tiên tìm đến núi Hồng … Dẫu biết non ngàn 99 ngọn; nên dấu đất lành, chim Phượng bay đi. Để chẳng thành tên, dẫu chẳng thành tên, kinh đô thuở ấy …”.
.jpg)
Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ(Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, mặt khắc 1) |
.jpg)
Tượng Thủy tổ Kinh Dương Vương và Quốc Mẫu Thần Long được thờ tại Khu di tích
|
Chính vì vậy, mà nhiều đời sau người dân nơi đây đã lập nên Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng để vọng thờ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng. Hàng năm, cứ đến ngày 18 tháng Giêng (Âm lịch), Nhân dân trong vùng lại làm lễ húy kỵ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và đặc biệt là ngày 10/3 (ÂL) cùng với cả nước, Nhân dân nơi đây lại tưng từng tổ chức lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội thu hút không chỉ Nhân dân trong vùng, mà còn Nhân dân, Phật tử thập phương cũng hành hương tìm về nơi chốn tổ ngày càng đông.
Chùa Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự bao gồm (Thiên Tượng- Long Đàm – Đại Hùng- Cực Lạc) mà theo sử sách chép lại thì được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Chùa được dựng trên mái núi thuộc tổ dân phố 7 - phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nằm ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển với một số hạng mục như: Miếu Cô Chín, cổng Tam quan, tượng Quan Âm, Nhà tổ, nhà Thánh Mẫu, nhà Hạ Điện, Nhà Tam bảo… Đặc biệt, trong các hiện vật có giá trị được lưu giữ ở đây thì quý nhất là quả chuông cao gần 1m, nặng khoảng 100 kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên "Đại Hùng Tự Chung", qua nội dung bài minh chuông cho chúng ta thấy chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1807).
Quả chuông cao hơn 1m, nặng khoảng 100kg, được chạm trổ khá tinh xảo và có khắc tên “Đại Hùng Tự Chung” đúc từ năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1807), hiện vẫn còn đặt tại Khu di tích
|
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất của Chùa Đại Hùng so với các ngôi chùa có trên địa bàn Hà Tĩnh là ở chổ chùa không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm Phật mà hàng năm cứ đến dịp Giổ Tổ Hùng Vương (10/3 AL) thì bà con trong vùng và các vùng phụ cận của các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An cùng đến dâng hương để tưởng niệm vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại chùa Đại Hùng ở phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh - tỉnh Hà Tĩnh (ảnh sưu tầm)
|
Năm nay, Lễ Quốc tổ Hùng Vương theo nghi thức cấp tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 07/4/2022 đến ngày 10/4/2022 (từ là từ 07/3 đến 10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng với một số hoạt động chính, như:
1. Giải kéo co toàn tỉnh trong khuôn khổ Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX. Tham dự giải gồm các đội tuyển kéo có của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trong 02 ngày 07/4/ 2022 (07/3 ÂL) đến ngày 08/4/2022;
2. Hội thi “Gói bánh chưng dâng Quốc tổ” vào ngày 08/4/2022 (08/3 ÂL);
3. Lễ dâng cúng vật phẩm lên Quốc Tổ của các địa phương trong toàn tỉnh và thị xã Hồng Lĩnh ngày ngày 09/4/2022 (09/3 ÂL).
4. Lễ tế Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng, ngày 09/4/2022 (09/3 ÂL);
5. Lễ rước linh vị Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng, ngày 09/4/2022 (09/3 ÂL);
6. Nghi lễ nhà nước Giỗ Quốc tổ Hùng Vương lúc 8h00', ngày 10/4/2022 (sáng ngày 10/3 Âm lịch).
Với những hoạt động này sẽ góp phần làm cho Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên vùng đất kinh đô Ngàn Hống thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng thành công, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự lễ, với mong muốn tìm về nguồn cội, bày tỏ một tình cảm thiêng liêng, với tấm lòng thành kính nhằm vun đắp, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, từ đó tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Phạm Lục
[1] Theo Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ. Quốc hiệu và kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, Hà Nội, 2019, tr 12. Xích Quỷ trong huyền sử Việt Nam, là một quốc gia cổ đại của cư dân Bách Việt, được xem là quốc hiệu đầu tiên của nước Việt vào thời đại Hồng Bàng.