Đắk Nông trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những hoạt động chủ yếu để xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.
Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4-1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[1].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 14-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk triệu tập hội nghị chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh tại thị xã Buôn Ma Thuột.
Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk quyết định tiến hành cuộc khởi nghĩa mở màn tại đồn điền Ca Đa vào tối 17-8-1945 và đã giành được thắng lợi. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi đầu tiên ở Đắk Lắk. Chỉ trong ngày 19-8, được công nhân đồn điền Ca Đa hỗ trợ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều đồn điền và buôn ấp từ kilômét số 49 đến kilômét số 3 trên đường 21 và dọc tỉnh lộ 8 từ Buôn Ma Thuột đi MêWal; đồn điền Ca Đa được chọn làm nơi đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, quy tụ hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, Giarai, Mnông và 500 lính bảo an binh, những người đã quay súng về với cách mạng. Đại biểu Mặt trận Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phản động của phátxít Nhật và thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân lao động, kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ chính quyền, tham gia xây dựng cuộc sống mới. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu cách mạng: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật”... Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã thành công rực rỡ.
Tại địa bàn các huyện hiện nay thuộc tỉnh Đắk Nông, như Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R’Lấp..., dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đứng lên giành chính quyền thành công. Ngày 23-8-1945, tại Đắk Mil, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện; tại Đắk R’Lấp, nhân dân các buôn khu vực Ba ranh giới nổi dậy tham gia mít tinh lớn tại buôn Bu Prăng, do đồng chí Nguyễn Trọng Ba tổ chức chào cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, ăn mừng cách mạng thành công, sau đó lần lượt mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng ở các tổng, đập phá tượng đài Hăngrimet và dựng bia kỷ niệm N'Trang Lơng tại Ngã Ba biên giới; tại địa bàn huyện Đắk Nông (thời điểm này thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng), diễn biến cuộc đấu tranh giành chính quyền gặp nhiều khó khăn, đến ngày 28-8-1945, được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Viên, tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (ảnh tư liệu)
|
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với chính quyền địa phương trong cả nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Đắk Nông dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Đắk Lắk nhanh chóng triển khai thực hiện công cuộc thiết lập, bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đời sống mới trên các lĩnh vực.
Về chính trị, chính quyền cách mạng chú trọng, tăng cường công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc (giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng, giữa đồng bào Êđê với đồng bào Mnông...). Tháng 10-1945, tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc liên hoan đoàn kết giữa các dân tộc dưới hình thức một hội chợ triển lãm, mời những đại biểu ưu tú của các dân tộc trong tỉnh và một số đại diện các dân tộc các tỉnh Nam Trung Bộ tới dự. Thông qua hội chợ, âm mưu chia rẽ các dân tộc, kìm hãm sự phát triển xã hội của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước bị vạch trần. Qua đó, giải quyết được những hiểu lầm giữa các dân tộc. Cử cán bộ của Đảng về các buôn, bon bồi dưỡng những quần chúng tích cực người dân tộc để trở thành nòng cốt trong việc thực hiện chính sách của Đảng. Tại địa bàn Krông Nô đã mở một số lớp đào tạo cán bộ người Êđê, Mnông, điều về các buôn làng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Trong công tác giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh trấn áp bọn phản động, ngày 20-8-1945, Ban Liêm phóng tỉnh Đắk Lắk được thành lập với nhiệm vụ tập trung đối phó với âm mưu phá hoại của địch, hòng lật đổ chính quyền cách mạng, nhanh chóng ổn định tình hình trật tự trị an, trừng trị bọn phản động. Việc trấn áp bọn phản cách mạng được thực hiện thu hút đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, gắn bó bên nhau đấu tranh chống lại bọn phản cách mạng và tội phạm. Những tên lưu manh, côn đồ, thầy mo, thầy cúng gieo rắc mê tín dị đoan đều bị xử lý. Công tác giữ gìn trật tự trị an từ thị xã đến các buôn, bon do những quần chúng giác ngộ cách mạng tự chủ đảm nhận. Các đoàn thể quần chúng tự giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong cộng đồng. Trong công tác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, lực lượng công an phối hợp với quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên, công nhân trong các đồn điền và đồng bào các dân tộc truy bắt những tên phản cách mạng. Thanh niên trong các buôn, bon hăng hái vào tự vệ, phân công canh gác buôn, bon, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Trên lĩnh vực kinh tế, Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng kịp thời thực hiện những chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế, tài chính, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, nâng cao đời sống nhân dân. Xóa bỏ các thứ thuế vô lý của chính quyền thực dân đối với dân tộc thiểu số, xóa bỏ chế độ bắt xâu, bắt lính; nhanh chóng quốc hữu hóa toàn bộ các công sở, đồn điền của thực dân Pháp giao cho các Ủy ban công nhân quản lý, xây dựng, củng cố bộ máy quản lý các đồn điền ở Đắk Mil, Quảng Trực.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân trong cả nước đã tích cực góp gạo cứu đói cho đồng bào. (Ảnh tư liệu)
|
Đối với công nhân, thực hiện ngày làm 8 giờ, xóa bỏ mức hưởng thụ khác biệt giữa công nhân người Thượng và công nhân người Kinh, giữa nam giới và nữ giới, có chính sách ưu tiên đối với công nhân người Thượng. Các cơ sở buôn bán của Pháp trước đây được cải tạo thành các cơ sở thu mua nông, lâm sản, thành nơi trao đổi muối và các nhu yếu phẩm khác cho nhân dân.
Để động viên nhân dân các dân tộc khu vực Đắk Nông, một mặt, cùng chính quyền cách mạng mở những kho thóc của bọn Pháp, Nhật cứu đói kịp thời cho đồng bào, phá kho muối của địch chia cho dân và lập các trạm bán muối; mặt khác, khuyến khích đồng bào các dân tộc khai thác tài nguyên, phát triển giao lưu kinh tế giữa các vùng, miền.
Trong cuộc phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chính quyền cách mạng vận động nhân dân cải tiến kỹ thuật, khai phá đất hoang, mở rộng diện tích sản xuất; đồng thời còn tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Tuần lễ vàng” do Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Đồng bào các dân tộc thuộc địa bàn Đắk Nông tích cực hưởng ứng, trong một thời gian ngắn đã thu được hàng tấn đồng cùng đồ đồng trang sức của phụ nữ, góp phần giải quyết khó khăn trong việc rèn đúc vũ khí, phục vụ chiến đấu. Những chủ trương của Đảng và Chính phủ được địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đã giải quyết được khó khăn lớn về kinh tế, tài chính của chính quyền cách mạng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào bình dân học vụ được phát động rộng rãi. Chính quyền cách mạng mở trường dạy học bằng tiếng Êđê; khuyến khích việc học trường lớp đối với thanh niên người dân tộc, phát động phong trào bình dân học vụ; chuẩn bị chương trình dạy tiếng Êđê thay tiếng Pháp; tuyển học sinh người Êđê, Mnông đi học các lớp văn hóa và kỹ thuật ở miền xuôi. Nhân viên y tế của chính quyền cũ được lưu dụng, phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh. Phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào các dân tộc, đem lại hiệu quả tích cực. Chính quyền cách mạng xóa bỏ những tàn tích văn hóa thực dân, tranh thủ nhân sĩ trí thức, công chức, các vị chỉ huy, binh lính người Thượng để làm việc cho chính quyền cách mạng.
Có thể thấy, việc giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đối với địa bàn tỉnh Đắk Nông cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng là hết sức ngoạn mục, vừa chớp được thời cơ, vừa giành thắng lợi trọn vẹn, vừa hạn chế tối đa đổ máu. Cùng với các hoạt động xây dựng và củng cố chính quyền trong 100 ngày để giữ vững thành quả cách mạng Tháng Tám thành công khi chính quyền non trẻ dưới sự sáng suốt của Đảng, của Chính phủ, đứng đầu là Chính phủ Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng không những được giữ vững mà còn không ngừng được củng cố và phát triển. Để đến tháng 12/1946, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, chính quyền cách mạng đã thực sự vững mạnh và đủ sức lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhờ đó, cuộc kháng Pháp của nhân dân ta dù lúc đầu hết sức khó khăn nhưng dần dần ta đã chiếm ưu thế và giành thắng lợi cuối cùng.
Phạm Lục
[1] Trích theo Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh trong “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa”, ngày 18 tháng 8 năm 1945.