Đắk Nông tự hào mảnh đất nối thông con đường huyền thoại Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta, trở thành di sản quý giá của lớp lớp những người đi trước để lại, với khí phách “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,.. đã là lời thề của cả một thế hệ, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vượt qua Trường Sơn hùng vĩ để tới chiến trường. Đường Trường Sơn trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá của biết bao người con thân yêu của dân tộc ta đã hy sinh xương máu, hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho con Đường, là một trong những nhân tố quyết định đem lại sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Trong niềm tự hào đó, quân và dân Đắk Nông qua bao thế hệ rất tự hào với mảnh đất nối thông con đường huyền thoại Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, vùng Nam Tây Nguyên địch liên tục đánh phá, khống chế gắt gao, kiểm soát nhiều nơi, phong trào cách mạng chưa thực sự phát triển rộng khắp; đời sống nhân dân Tây Nguyên vô cùng cơ cực dưới sự áp bức của Đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 - “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng đoàn, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 25/5/1959 Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương tổ chức đoàn B90 để thực hiện nhiệm vụ: “về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk, hợp nhất với đội vũ trang công tác bắc Đắk Mil (nam Đắk Lắk) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”. Đồng thời, Xứ ủy Nam Bộ phải trực tiếp chỉ đạo Liên Tỉnh ủy miền Đông thành lập Đoàn C200 và C270 với nhiệm vụ tổ chức mở đường từ chiến khu Đ ra Nam Tây Nguyên, bắt liên lạc với Đoàn B90.
Việc mở đường khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ như: điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, phức tạp, cơ sở cách mạng còn thiếu và yếu, các đội công tác phải mò mẫm bám từng bon, móc ráp đến từng người dân, phải tự lo về lương thực, hậu cần trong quá trình hoạt động. Sau khi sắp xếp phân công, phân nhiệm, các đội công tác bắt đầu triển khai xuống cơ sở từ đầu tháng 12/1959 với phương châm hành động: Khẩn trương thực hiện “bốn biến” (biến không thành có - biến khó thành dễ - biến ít thành nhiều - biến yếu thành mạnh).
Nhờ tinh thần đoàn kết, dũng cảm, kiên trì, với quyết tâm, bằng bất kỳ giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, sau gần 1 năm vừa xoi mở đường vừa xây dựng cơ sở cách mạng, vượt qua bao hiểm nguy, gian lao và những mất mát, hy sinh của Đoàn, đến chiều ngày 30/10/1960, Đội I-Đoàn B90 đã bắt liên lạc với Đoàn C200 của miền Đông Nam Bộ tại vàm Đắk R’Tih (nay thuộc thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Đến tối 04/11/1960, Đội 2-Đoàn B90 và Đoàn C270 phía Nam đã bắt được liên lạc với nhau tại trụ km 4 đường 14, đoạn Đắk Song đi Gia Nghĩa. Giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy đã nối liền hai vùng chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, khai thông đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
|
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thuộc thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông (ảnh: Đài PT-TH Đắk Nông) |
Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu V với miền Đông Nam Bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến. Việc hai cánh phía Nam và phía Bắc ráp liên lạc được với nhau ở vùng này chẳng những làm cơ sở mở rộng đường hành lang chiến lược Nam - Bắc mà còn mở ra cho phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở đây một trang sử mới. Đây là thắng lợi to lớn đạt được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, Đảng và quân đội ta đã đặt ra và trải qua bao hy sinh xương máu chưa đạt được, nay được ghi vào truyền thống của Đoàn B90, C200, C270 như một nét son sáng chói, rất đáng tự hào, góp phần khai thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.
Con đường huyền thoại, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông không chỉ là tuyến giao thông chiến lược huyết mạch nối liền chiến trường Tây Nguyên với chiến trường Nam Bộ (chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt) mà còn là một chiến trường tổng hợp chiến đấu hết sức quyết liệt giữa ta và địch, dù bị địch đánh phá ác liệt, gặp không ít khó khăn gian khổ. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, toàn quân, toàn dân ta trên chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ và tỉnh Quảng Đức nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban hành lang các tỉnh từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ và dân tỉnh Đắk Nông, đã đoàn kết gắn bó thành một khối thống nhất về ý chí, hành động; vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững đường hành lang chiến lược, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Trong chiến thắng to lớn về quân sự trên các chiến trường, cán bộ, chiến sỹ Ban hành lang tỉnh Đắk Nông đã góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi chung của toàn miền Nam. Với phương tiện chủ yếu là “đôi chân vạn dặm” và tinh thần vượt khó, sáng tạo, cán bộ, chiến sỹ hành lang trên địa bàn Đắk Nông đã vượt qua những gian nan, khốc liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa lực lượng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ kháng chiến, bảo đảm mạch máu lưu thông liên lạc, góp phần to lớn vào việc bảo đảm các yêu cầu cơ động và đảm bảo vật chất một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
|
Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Nông cho Ban Liên lạc Đoàn B90, C200 và C270 vì đã có nhiều đóng góp trong việc cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu lịch sử, hiến tặng nhiều hiện vật lịch sử có giá trị cho tỉnh Đắk Nông, ngày 30/10/2020.
|
Sự kiện khai thông Đường Trường Sơn lẫy lừng mà điểm kết nối ngay tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; và điểm kết nối tại km 23 quốc lộ 14 đoạn Đắk Song đi Gia Nghĩa ngày nay luôn in đậm trong tâm thức của bao thế hệ, là mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là địa chỉ đỏ cách mạng, có ý nghĩa giáo dục chính trị và truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, thể hiện lòng tri ân công lao to lớn của các bậc cha ông đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (trong đó có đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông).
|
Các đại biểu dâng hương tại Lễ tưởng niệm, ngày 30/10/2017.
Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
64 năm đã qua, lịch sử oai hùng, oanh liệt về tuyến đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của quân và dân tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung, mãi còn nguyên giá trị, mãi là niềm tự hào của dân tộc ta và đi vào lịch sử như một kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp tục được phát huy trong thời đại ngày nay. Nhân dịp này, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh sẽ có nhiều hoạt động, hình thức tri ân, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của thế hệ cha anh, để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Phạm Lục