Một số giải pháp nhằm phòng, chống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông có dân số khoảng 730.000 người, với 40 dân tộc cùng sinh sống, có sự đa dạng về văn hóa và phong tục tập quán. Trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) có 48.492 hộ, với 227.270 người, chiếm tỷ lệ 31,13% so với tổng dân số toàn tỉnh. Có 03 DTTS tại chỗ (M'Nông, Mạ và Ê Đê) với tổng số 16.310 hộ, với 72.896, chiếm 33,63% so với tổng số DTTS. Đa số các DTTS phía Bắc di cư vào tỉnh chiếm tỷ lệ lớn như Tày, Nùng, Mông… chủ yếu sinh sống tập trung ở nông thôn, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là DTTS vẫn còn cao; trình độ dân trí trong đồng bào DTTS còn thấp; việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế còn chậm; đa số đồng bào sống bằng nghề lao động phổ thông, tình trạng thiếu đất sản xuất; thiếu đất ở; nước sinh hoạt còn thiếu và chưa đảm bảo vệ sinh. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại, nhất là ma chay, cưới, hỏi…hiện tượng tảo hôn, sinh nhiều con còn nhiều.
Đây chính là điều kiện tương đối thuận lợi để các đối tượng tiến hành nhiều biện pháp lừa đảo người dân. Vài năm trở lại đây, nhất là thời gian gần đây, bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục hoạt động mạnh với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp nhiều hình thức như trực tiếp hoặc sử dụng công nghệ cao. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã điều tra, xử lý hàng trăm vụ án, thu hồi hàng chục tỷ đồng trên tổng số tiền lừa đảo tới hàng trăm tỷ đồng.
Phương thức lừa đảo của bọn chúng kết hợp cả truyền thống và phi truyền thống (tội phạm công nghệ cao). Một số hành vi truyền thống như góp vốn, chơi hụi, đầu tư: nghĩa là, lợi dụng mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị hại- những người thiếu hiểu biết lại hám lợi. Chúng đưa ra mức lãi suất cao, thủ tục đơn giản, thanh toán nhanh gọn để dụ dỗ bị hại tham gia đầu tư, góp vốn, hoặc cho vay rồi chiếm đoạt.
Thứ hai, chúng giả là người có chức vụ hoặc có mối quan hệ với một số người có chức vụ để dụ dỗ bị hại đưa tiền hy vọng chúng sẽ chạy án hoặc xin việc cho người thân rồi thông qua đó lấy tiền. Đối tượng này là người nắm tương đối chắc hoặc thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan hành chính nhà nước nên nắm rất rõ quy trình, thủ tục, thông tin tuyển dụng các vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị. Qua đó để đưa ra các thông tin có thể chạy án hoặc xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Đối tượng còn dùng các thủ đoạn thông qua các hoạt động như: thủ tục hành chính, xuất khẩu lao động, du học nước ngoài để “tổ chức đưa người vượt biên trái phép”; “mua, bán người”; “đưa, nhận hối lộ”.
Trên không gian mạng: Các đối tượng thành lập các pháp nhân thương mại với việc thành lập các “công ty ma” có đăng ký giống với các công ty có uy tín nhưng thực tế không hoạt động. Sau đó, chúng đăng tin quảng cáo trên các nền tảng xã hội như Zalo, Facebook…, về các gói nhận quà ưu đãi có giá trị cao nhằm đánh vào lòng tham của một số người. Sau khi tiếp cận với bị hại, chúng yêu cầu chuyển tiền nộp đăng ký để nhận quà, nâng thưởng rồi chiếm đoạt.
Các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (chủ yếu là nữ) qua mạng xã hội rồi nhắn tin tâm sự, ngỏ lời yêu giả dối, sau đó thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại rồi cấu kết với người Việt Nam giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, y tế, cơ quan thuế… yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt…vào các tài khoản ngân hàng của bọn chúng rồi chiếm đoạt.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả danh nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện thông báo chủ thuê bao nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn, có biên bản xử phạt giao thông, hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, giả mạo cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương…thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, đe dọa nhằm khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt. Cũng có khi đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị rồi nhắn tin vay tiền của người thân, bạn bè chủ tài khoản rồi chiếm đoạt.
Qua đánh giá, đối tượng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đa số là người dân sinh sống tại các địa bàn xa xôi, khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, ít được tiếp cận thông tin, ít được tham gia các buổi tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể. Đồng thời một bộ phận bị hại cũng do lòng tham mà thiếu cảnh giác, không chia sẻ hoặc hỏi ý kiến người thân. Các hành vi trên đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình ANTT tại địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của những bị hại. Do vậy công tác tuyên truyền, vận động mọi người phòng, chống lừa đảo là một trong những giải pháp hàng đầu trong việc ngăn chặn, đẩy lùi góp phần xử lý kịp thời loại tội phạm này.
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền cho phù hợp, dễ tiếp nhận đến các tầng lớp Nhân dân. Tổ chức hướng dẫn quần chúng phát hiện các đầu mối, đối tượng nghi vấn, cung cấp thông tin, tài liệu giúp các cơ quan chuyên môn sớm điều tra, đấu tranh, xử lý kịp thời loại tội phạm này.
Thứ hai, cấp uỷ, chính quyền kịp thời kiện toàn các mô hình tổ tự quản, tổ phòng chống tội phạm, lực lượng trị an viên ở cơ sở. Đẩy mạnh các phong trào thi đua phát hiện ngăn chặn đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các đường dây nóng, các hội nhóm, tổ chức ở cơ sở. Có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thường xuyên thông tin rộng rãi các phương thức, hành vi, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể, điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm.
Thứ ba, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo, lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào DTTS, người có uy tín, các tuyên truyền viên cơ sở…để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân, các vấn đề bức xúc liên quan đến hoạt động tội phạm hoặc nguy cơ phạm tội để tham mưu các cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý ngay từ cơ sở. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa tội phạm trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, băng nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; phối hợp để xây dựng quy chế với các “nhà mạng” và ngân hàng trong công tác xác minh, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và các hoạt động thu thập tài liệu trong quá trình điều tra các vụ án có liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Nguyễn Văn Thanh - PTB Dân vận Tỉnh uỷ Đắk Nông