Những cống hiến, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định đến sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước, đặc biệt là sự chuẩn bị công phu về mọi mặt và những cống hiến, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
.jpg)
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (Ảnh: Tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam
Mang trong mình khát vọng giải phóng dân tộc, qua nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác- Lênin và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn - con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Rõ ràng, việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thể hiện tầm nhìn chiến lược và phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động. Có thể khẳng định, đến thời điểm này, cách mạng vô sản là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để nhất. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.
Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.
Về tư tưởng: Người sáng lập tờ báo Le Paria (Người Cùng khổ) và viết nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế... Thông qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất và tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tập hợp lực lượng và tuyên truyền con đường cách mạng vô sản, làm chuyển biến nhận thức của quan chúng, làm cho hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin từng bước chiếm ưu thế trong xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước theo lập trường của giai cấp công nhân.
Về chính trị: Người khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở “chính quốc” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau, nhưng cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở “chính quốc” mà có thể nổ ra và thành công trước cách mạng vô sản ở “chính quốc”, góp phần tích cực thúc đẩy cách mạng vô sản ở “chính quốc” - đây là luận điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đóng góp vào kho tang lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc.
Về vấn đề đảng cộng sản, Người nhấn mạnh cách mạng muốn giành thắng lợi, trước hết phải có Đảng cách mạng nắm vai trò lãnh đạo: “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2].
Về tổ chức: Người mở các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quôc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đã làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước đều giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành hành động cách mạng cụ thể của tất cả các giai cấp và tầng lớp trong dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo quy luật ra đời Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác-Lênin với đặc thù của Việt Nam
Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân.
Thấm nhuần quan điểm của chủ Nghĩa Mác-Lênin, trong quá trình chuẩn bị thành lập đảng cộng sản ở Việt Nam - một “xứ” thuộc địa nửa phong kiến, bên cạnh việc khẳng định vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo nguyên lý xây dựng “đảng kiểu mới” của Lênin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc khẳng định, chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là sáng tạo nổi bật nhất của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình vận động thành lập Đảng.
Nhưng, từ thực tiễn Việt Nam – một nước thuộc địa nửa phong kiến, phần lớn là giai cấp nông dân tồn tại bên cạnh giai cấp địa chủ, phong kiến, giai cấp tư sản Việt Nam và tầng lớp tiểu tư sản; số lượng giai cấp công nhân còn ít, chủ yếu là công nhân khai thác mỏ, đồn điền mà chưa phải là công nhân đại công nghiệp như ở phương Tây. Để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã lấy giá trị cốt lõi của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, qua đó lôi kéo mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi vào một khối đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức Mặt trận thống nhất rộng rãi, lấy liên minh công, nông, trí làm nền tảng, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, vì thế “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”[3]. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới.
Cống hiến của Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong điều kiện hoạt động bí mật, sự khủng bố của kẻ thù có thể diễn ra bất cứ lúc nào, vấn đề bảo đảm an toàn cho đại biểu là hết sức quan trọng. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị kỹ từ trước những địa điểm họp, định ra các nguyên tắc giữ bí mật và cách thức họp Hội nghị hợp nhất. Đến cuối tháng 01-1930, mọi công việc chuẩn bị cho Hội nghị họp nhất cơ bản hoàn thành.
Dưới sự chủ trì của Nguyền Ái Quốc, trong hội nghị, các đại biểu nghiêm túc tự phê bình và thống nhất gạt bỏ mọi thành kiên, công kích lẫn nhau, “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, tôi nói cho họ biểt những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng”[4]. Hội nghị nhất trí với 5 điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. “Sang chuyện đặt tên, cũng lại thảo luận giằng co rất lâu. Bên bảo lấy tên Đông Dương, bên bảo lấy tên An Nam. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói: “Đông Dương thì rộng quá, còn chữ An Nam là của thống trị phong kiến nước ngoài đặt cho, không dùng được. Vậy lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Hai bên đồng ý”[5].
Hội nghị thông qua Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh và Hội Cứu tế do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Đó là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khẳng định, những cống hiến sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình chuẩn bị thành lập đảng cộng sản ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX kiểm chứng là đúng đắn và khoa học. Sự cống hiến sáng tạo này không chỉ có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác-Lênin. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã trân trọng đánh giá cống hiến to lớn của lành tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Đông Dương, được thể hiện trong sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “công lao to lớn của đồng chí là đã tập họp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”[6].
Thực tiễn 93 năm qua cũng đã cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam. Với những thành tựu mà cách mạng Việt Nam đã đạt được, với truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc, với sức mạnh nội lực của đất nước hơn 96 triệu dân, với những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, thời gian tới đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.30.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.289.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.467.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2002,t.2, (1930), tr.19.
[5] Nhớ lại ngày sinh của Đảng (Một số hồi ký về thời kỳ thành lập Đảng)., Nxb.Sự thật, H.1962, tr.38.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.1999, t.4 (1932-1934), tr.409.