Những người nằm lại phía chân trời (35 năm sự kiện Gạc Ma: 14/3/1988-14/3/2023)
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bằng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm cao, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chiến đấu bất khuất, kiên cường và 64 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Có thể khẳng định, trận Gạc Ma ngày 14/3/1988 là một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là tàu chiến, được trang bị vũ khí hiện đại với tinh thần thảm sát trắng trợn của quân Trung Quốc và một bên là các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có hầm hào công sự che thân. Nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Mặc dù đối phương rất hung hãn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ HQND trên đảo Gạc Ma vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, kiên trì, kiềm chế giữ vững nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp; tuân thủ nghiêm túc Công ước về Luật biển 1982 và luật pháp quốc tế. Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sĩ của ta, các tàu chiến của Trung Quốc đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta. Tại đảo Gạc Ma, các cán bộ chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo. Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam không dùng vũ khí mà đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống chọi lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma.
Có thể khẳng định, sự kiện lịch sử Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Câu nói của Anh hùng liệt sỹ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vậy mà, các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện lịch sử có liên quan đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 để rêu rao rằng: Việt Nam đã âm thầm bán đảo cho Trung Quốc; rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra lệnh “không được nổ súng” trong sự kiện Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988?! Rằng nhà nước Việt Nam bưng bít thông tin vụ Gạc Ma ngày 14-3-1988?… Những luận điệu xuyên tạc lịch sử được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao để phục vụ âm mưu đồ đen tối của họ, nhất là mỗi khi tới ngày kỷ niệm Gạc Ma 14-3, nhưng thực tế lịch sử khẳng định, các luận điệu xuyên tạc trên là suy diễn, thiếu căn cứ lịch sử. Rõ ràng, tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là kích động hận thù mà là để rút ra được những bài học đúng đắn cho quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Trước hết cần khẳng định rằng, từ xưa đến nay, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Riêng với vấn đề Biển Đông, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Với vấn đề chủ quyền lãnh thổ nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng, bất khả kháng để tự vệ và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Hơn nữa, với sự kiện Gạc Ma năm 1988, Việt Nam không hề bưng bít thông tin, mà ngược lại, ngay từ đầu năm 1988 khi Trung Quốc gây hấn ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 20-2-1988 về việc hải quân Trung Quốc khiêu khích trong vùng biển Việt Nam ở Trường Sa. Đặc biệt, ngay sau sự kiện ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các hội, đoàn thể, các đảng phái, các địa phương của Việt Nam đã lực lực phản đối hành động này, tạo thành một phong trào mạnh mẽ nhất, khơi dậy ý chí, sự đồng lòng, đoàn kết và tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, từ tháng 2 đến tháng 6-1988, có ít nhất 41 bài viết, tuyên cáo, xã luận… được đăng tải trên báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân thể hiện rõ quan điểm Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay mọi hành động khiêu khích, xâm chiếm.
Ngay trong và sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, các địa phương, đoàn thể trong cả nước hướng về Trường Sa mạnh mẽ. Đặc biệt, các phóng viên báo chí (nhất là Báo Nhân Dân và Báo Quân Đội Nhân Dân) đã trực tiếp ra Trường Sa để gặp gỡ nhân chứng, để cung cấp cho độc giả trong nước và trên thế giới về hoạt động bảo vệ, chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, truyền tải một sự thật lịch về sự kiện này. Như vậy, các thông tin trên cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam không hề bưng bít về sự kiện Gạc Ma mà còn chỉ đạo đẩy mạnh thông tin bằng các bài viết để làm rõ ý đồ lâu dài của Trung Quốc trong việc lấn dần từng bước đi tới kiểm soát Biển Đông.
Đối với dư luận của các nước thế giới, có nhiều nước, nhiều chính đảng ở nước ngoài đã ủng hộ lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, sớm đàm phán với Việt Nam; lên án hành động tội ác của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa; vạch rõ những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và Trung Quốc không tự cô lập mình hơn nữa trong vấn đề Trường Sa.
Cùng với đó, lệnh “không nổ súng” không đồng nghĩa với không nổ súng để chiến đấu, mà là không nổ súng trước nhằm tránh duyên cớ gây chiến tranh “ai nổ súng trước” hòng hợp thức hóa cuộc xâm lược của Trung Quốc; đồng thời cũng thể hiện khát vọng hòa bình để xây dựng đất nước vừa hơn 10 năm thoát khỏi chiến tranh. Trong Thông báo của Ban Tuyên huấn Trung ương về sự kiện ngày 14-3-1988 nêu rõ: “Trung Quốc đã đưa tàu đến và ngang nhiên cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ ta kiềm chế không nổ súng và ra hiệu cho chúng rút lui khỏi đảo”[1]. Các chiến sĩ Trường Sa lúc bấy giờ đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên: “Không được bắn trước!”[2]. Trên thực tế, bắt đầu từ tháng 1-1988, khi Trung Quốc không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì Việt Nam đã lên tiếng và luôn cánh giác tránh âm mưu khiêu khích của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù có lệnh “không được nổ súng” (hay chính xác hơn là “không được nổ sung trước”), nhưng khi quân Trung Quốc đã khai hỏa bắn phá các tàu của hải quân Việt Nam thì chiến sĩ ta cũng nổ súng bắn trả, chứ không hoàn toàn không nổ súng như các thông tin xuyên tạc. Ngày 15-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố, nêu rõ: “Sáng ngày 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”[3]. Có thể khẳng định, sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã thể hiện tinh thần kỷ luật rất cao, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên, tự kiềm chế cả trong trường hợp nguy cấp, không nổ súng trước mà chỉ chiến đấu để tự vệ khi bị bắt buộc. Đó là ý thức chính trị sâu sắc, tự giác chấp hành đường lối chính trị và ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam mong muốn giải quyết những vấn đề tranh chấp thông qua con đường thương lượng, hòa bình.
Rõ ràng, sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma mãi mãi là biểu tượng về lòng yêu nước, tình đoàn kết vượt qua gian khó, tính kỷ luật cao, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lợi dụng sự kiện Gạc Ma để chống phá Đảng và Nhà nước ta là một thủ đoạn cũ, không có cứ liệu lịch sử nhằm chống phá, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam yêu nước rất cần có cái nhìn khách quan về tình hình Biển Đông, về đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề này của Đảng và Nhà nước, đồng thời tỉnh táo, cảnh giác, phản bác mạnh mẽ các luận điệu xuyên tạc, kích động mà những phần tử xấu đã và đang rắp tâm tạo ra.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng càng ngày càng khó khăn và nhiều thách thức. Trong bối cảnh tình hình đó, với quan điểm “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[4] và trên tinh thần: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi…Việt Nam là bạn, là đối tác tin cây, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[5]. Qua đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng phải tiếp tục đổi mới tư duy, dự báo chính xác tình hình, chủ động ứng phó với mọi tình huống, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, biện pháp.
Cẩm Trang
[1] Dư luận thế giới đòi Trung Quốc thương lượng với Việt Nam để giải quyết những vấn đề tranh chấp”, Báo Nhân Dân, số 12352, ngày 8-5-1988.
[2] Hồ Anh Thắng, “Ghi chép ở Trường Sa”, Báo Quân Đội Nhân Dân, số 9693 và 9694, ngày 19 và 20-5-1988.
[3] Sự thật ở Trường Sa, Báo Nhân Dân, số 12308, ngày 24-3-1988.
[4] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H. 2021, tập I, tr. 48.
[5] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H. 2021, tập I, tr. 160-161.