Đầu thế kỷ XX, vị thế của phụ nữ Việt Nam có những thay đổi nhất định khi nhận thức về nữ quyền, bao gồm quyền bình đẳng về chính trị, quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động... Phụ nữ trở thành một lực lượng xã hội, một chủ đề được quan tâm không chỉ trong văn thơ, ký họa mà đã bắt đầu xuất hiện trên báo chí.
Điển hình như “Đại Nam Đăng cổ tùng” báo (1907) là tờ báo quốc ngữ hiếm hoi trong thời kỳ này dành riêng một chuyên mục để bàn luận về phụ nữ Việt Nam, đó là mục “Nhời đàn bà” (lời đàn bà). Mục “Nhời đàn bà” của báo tập trung vào việc khuyến khích phụ nữ đi học, gắn vấn đề phụ nữ với vấn đề canh tân xã hội, phê phán những tập quán cổ hủ, lạc hậu tồn tại trong sinh hoạt của phụ nữ bấy lâu nay như tảo hôn, mê tín dị đoan... và mục “Nhời đàn bà” còn được xuất hiện trên nhiều tờ báo khác ở miền Bắc như Đông Dương Tạp chí (1913), Trung Bắc Tân văn (1915).
Năm 1914, báo chí Việt Nam đã đề xuất việc ra một tờ báo dành riêng cho phụ nữ. Mặc dù được nhiều người ủng hộ, nhưng phải đến năm 1918, tờ báo dành riêng cho phụ nữ đầu tiên mới ra đời. Đó là báo Nữ giới chung xuất bản số đầu tiên ngày 1/2/1918 tại Sài Gòn do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút, mở đầu cho dòng báo nữ ở nước ta. Mục đích, tôn chỉ của “Nữ Giới Chung” muốn hướng đến là nâng cao dân trí cho người phụ nữ vốn từ trước nay không hề được coi trọng trong xã hội Việt Nam. Điều này thể hiện ở việc tờ báo chú trọng đưa ra những quan điểm về vấn đề phụ nữ, từ đó, lý giải, lập luận nhằm làm rõ khái niệm, nội dung nữ quyền, nam - nữ bình đẳng; về vai trò của người phụ nữ; phụ nữ chức nghiệp; vấn đề phổ biến kiến thức khoa học cho phụ nữ... Tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số. Tuy vậy vẫn có thể nói rằng đây là lần đầu tiên trên báo chí Việt Nam, vấn đề nữ quyền được đưa ra thảo luận một cách trực tiếp, và do chính phụ nữ nhận thức và lên tiếng.
Trong giai đoạn này cũng xuất hiện các hình thức “hội”, “viện”, “thư quán”, “học xá”… Đội ngũ sáng tác và dịch thuật là những phụ nữ ở nhiều nơi trong cả nước. Trong đó phải kể đến Nữ lưu thư quán Gò Công do Phan Thị Bạch Vân phụ trách, ra đời vào năm 1928. Đây là một tổ chức “thư quán”, một mô hình hoạt động văn hóa với nhiều phương thức, kết hợp thương mại và học thuật nhằm phát huy khả năng văn học và báo chí của phụ nữ, xây dựng một quan niệm mới về hình tượng phụ nữ trong xã hội mới góp phần xây dựng tinh thần thời đại.
Những năm 1930, tình hình xã hội, tư tưởng Việt Nam có những thay đổi quan trọng. Vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ, phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như thế nào đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Hàng loạt tờ báo phụ nữ được xuất bản ở 3 kỳ như Phụ nữ Thời đàm (1930-1934) ở Hà Nội; Phụ nữ Tân tiến (1932-1934) ở Huế; Tân Nữ Lưu (Hà Nội, 1935 - 1936), Việt Nữ (Hà Nội, 1937), Phụ nữ Hà Nội (1938 - 1939)…
Đáng chú ý là báo “Phụ nữ Tân Văn”, ra đời năm 1929 ở Sài Gòn, tờ báo được phát hành rộng rãi cả nước và thu hút lượng lớn độc giả. Nội dung của báo Phụ nữ Tân văn, không chỉ đề cập đến vấn đề của phụ nữ mà còn có xu hướng thiên về đại chúng, quan tâm đến những vấn đề thường nhật của xã hội.
.jpg)
Báo “Phụ nữ Tân văn” trở thành tờ báo phụ nữ được nhiều người quan tâm
Là một cơ quan “chuyên tâm khảo cứu những vấn đề liên quan đến phụ nữ”, từ khi ra những số báo đầu tiên, “Phụ nữ Tân Văn”, đã đăng nhiều bài viết cổ động phong trào giáo dục cho phụ nữ, vận động cho phong trào phụ nữ tạo dựng nghề nghiệp để tự lập, nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời tham gia vào việc sản xuất của cải cho xã hội; về tinh thần tương thân tương ái giữa các chị em phụ nữ; Ngoài ra, “Phụ nữ Tân Văn” còn đưa ra nhiều tấm gương các phụ nữ ở các nước đã thay đổi địa vị trong gia đình và xã hội khi họ được học hành, có nghề nghiệp, để phụ nữ Việt Nam soi vào. Tờ báo cũng phê phán những nguyên tắc đạo đức phong kiến; ủng hộ tự do kết hôn vì tình yêu,.. Ngoài các bài báo về giáo dục phụ nữ, phụ nữ chức nghiệp và kêu gọi phụ nữ thoát khỏi những ràng buộc lễ giáo lạc hậu, báo “Phụ nữ Tân Văn” còn có nhiều đóng góp khác cho phong trào giải phóng phụ nữ, như vận động phong trào phụ nữ với thể thao, quyền bầu cử và ứng cử; phổ biến những kiến thức khoa học, pháp luật, vệ sinh, nữ công…
Cách mạng Tháng Tám thành công, Ngày 3-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được chính thức thành lập trên cơ sở tập hợp các tổ chức phụ nữ, trong đó, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là nòng cốt. Từ năm 1946 Ban liên lạc phụ nữ Bắc bộ đã có tờ báo “Tiếng gọi phụ nữ” (là tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam). là cơ quan tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ vào đoàn Phụ Nữ Cứu Quốc trong mặt trận Việt Minh, để làm hậu thuẫn cho chính quyền
Đến năm 1948 tờ báo “Phụ nữ Việt Nam” ra đời tại Việt Bắc. Sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (năm 1950), Tư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã định hướng nội dung và tổ chức tờ báo để tuyên truyền và lãnh đạo phong trào phụ nữ, đồng thời giáo dục hội viên, định hướng các cấp Hội coi tờ báo là cơ quan ngôn luận của mình. Có thể thấy, các ấn phẩm của Báo Phụ Nữ Việt Nam mang đậm tính nhân văn, đề cập đến những vấn đề của phụ nữ nhưng lại là vấn đề chung của gia đình Việt Nam và của toàn xã hội.
Từ năm 1975 tới nay, dòng báo nữ Việt Nam tiếp tục phát triển cả về số lượng đầu báo cũng như số lượng người làm báo là nữ. Số lượng các nhà báo nữ này không chỉ tập trung ở các cơ quan báo chí thuộc dòng báo nữ mà còn ở những cơ quan thông tấn, báo chí khác của cả nước. Ngày 6/3/1998, Chủ tịch nước ký quyết định số 187 – KT/CT tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất cho báo Phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, cùng với sự thay đổi phát triển của đất nước, báo chí phụ nữ đã có những bước phát triển mới, mạnh về số lượng, đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung.
Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về thực hiện nữ quyền và bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ như Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Luật Bầu cử; Luật Bình đẳng Giới (Điều 11); Luật Lao động 2019. Những thành tựu mà đất nước đạt được trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ có sự đóng góp to lớn của dòng báo chí phụ nữ. Qua đó, góp phần khẳng định phụ nữ có các quyền ngang với nam giới trong gia đình và xã hội.
Cẩm Trang