Phạm Hùng - từ người chiến sĩ cách mạng kiên trung đến nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước (Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng 11/6/1912-11/6/2022)
Đồng chí Phạm Hùng là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, suốt đời cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân.
Với 76 năm tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí cũng luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn thể hiện rõ tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản, thương yêu đồng bào, đồng chí; suốt cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (Ảnh: Tư liệu) |
Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng của Đảng và của cả dân tộc ta.
Từ người chiến sĩ cách mạng kiên trung đến nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước
Khi còn là học sinh trung học, Phạm Hùng đã là người lãnh đạo bí mật của phong trào học sinh, thanh niên của trường. Năm 1928, sau khi học xong ở trường tỉnh, đồng chí sang học Trường Trung học Mỹ Tho. Tại đây, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1931, đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt và kết án tù. Kè thù đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, tàn bạo nhưng không lay chuyển được niềm tin sắt đá của đồng chí vào lý tưởng cách mạng của Đảng. Trải qua gần 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến “địa ngục trần gian” Côn Ðảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được người chiến sĩ cộng sản có “dạ sắt, gan đồng”. Khi Côn Đảo được giải phóng, ông cùng các đồng chí của mình được cách mạng đón trở về đất liền, và ngay lập tức phạm Hùng lại khẩn trương bước vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta.
Cách mạng Tháng Tám thành công, suốt chín năm liền trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí giữ các trọng trách: Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ, rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân liên khu Đông Nam Bộ, Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ. Bởi vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phạm Hùng là người trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ. đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng để tăng cường công tác xây dựng Đảng; mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; phát triển chiến tranh nhân dân và ra sức tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân,toàn diện, trường kỳ…, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam và đồng chí Phạm Hùng, cuộc chiến đấu quyết liệt và anh dũng của quân và dân miền Nam đã thực sự biến miền Nam trở thành mồ chôn quân thù, thực sự chia lửa với Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí được Đảng và nhân dân ta tin cậy giao nhiệm vụ là Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1967), chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Đồng chí đã khẩn trương cùng Trung ương Cục và quân dân miền Nam bí mật gấp rút và chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968), giành thắng lợi quan trọng, tạo cục diện mới cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Đặc biệt, với vai trò là Chính ủy Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4-1975), đồng chí đã thể hiện uy tín, tài năng, đức độ, chí khí, trí tuệ của một nhà lãnh đạo chiến lược của Đảng chỉ huy chiến dịch toàn thắng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của dân tộc.
Sau giải phóng, với tài năng vả uy tín cùa mình, tạị các Đại hội lần thứ IV, V và VI của Đảng ta, Phạm Hùng tiếp tục được bầu là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, ùy viên Bộ Chính trị, được giao giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Phạm Hùng còn được giao kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ 1980-1987. Phạm Hùng liên tục là Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII (1960 - 1988). Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ nhất (6-1987) đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Phạm Hùng đột ngột từ trần ngày 10-3-1988 tại thành phố Hồ Chí Minh khi đang chỉ đạo công tác tại các tỉnh phía Nam. Trong Điếu văn của Đảng và Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng khẳng định: “Đồng chí Phạm Hùng... một con người ưu tú của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, đã vĩnh biệt chúng ta. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn của toàn Đảng và toàn dân ta”[1].
Có thể khẳng định, trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi và luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, dù trong lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp... đồng chí Phạm Hùng luôn tỏ rõ là người chiến sỹ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn cách mạng hết sứ phong phú, với kiến thức sâu rộng và tư duy khoa học, nhạy bén, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả cuộc đời hoạt động của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Điều dễ thấy, đồng chí là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức tài năng, là cán bộ sâu sát với quần chúng, lời nói luôn đi đôi với hành động, có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực, luôn đem hết trí tuệ và sức lực hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng và nhân dân giao phó.
Trong công tác, đồng chí thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lành đạo tầm chiến lược. Đồng chí Phạm Hùng luôn rèn luyện phong cách khoa học, có kế hoạch, tỉ mỉ, chu đáo. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc linh hoạt có chương trình kế hoạch, có nguyên tắc, nhưng không máy móc. Đồng chí luôn đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chân thành, thẳng thẳn tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Luôn quan tâm và dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dường cán bộ; gần gũi và ân cần chỉ bảo, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; dân chủ, cởi mở, nghiêm minh và rộng lượng với mọi người.
Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc với bản thân mình. Đồng chí là người có nếp sống thanh cao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Không chỉ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân, mà trên cương vị của người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, giành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bôi dưỡng cán bộ, xây dựng các thể hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí không chỉ quan tâm, giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân, lo từ cái ăn, ở, học hành của dân, bảo vệ lợi ích và tài sản của dân. Yêu thương con người là phẩm chất bao trùm ở đồng chí Phạm Hùng. Bởi lý do đó, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người Đại biểu của nhân dân trong Quốc hội các Khoá II, III, VI, VII, VIII. Đối với đồng chí, đồng đội, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn chân thành, thẳng thắng, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người.
Với gia đình nhỏ của mình, đồng chí là người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, hết lòng thương yêu con cháu. Trong thời gian công tác tại chiến trường miền Nam, mặc dù thời gian rất hiếm hoi, đồng chí vẫn cố giành cho vợ con, bạn bè ở miền Bắc những tình cảm nồng ấm, yêu thương qua những dòng thư ngắn ngủi mà xiết bao mong đợi và hy vọng vào thắng lợi cuối cùng.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chirnhd dốn Đảng và Kết luận 01 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chúng ta mãi mãi biết ơn công lao to lớn và học tập noi gương đồng chí Phạm Hùng, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, cùng nhau phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới.
Cẩm Trang
[1] Phạm Hùng-Nhà lãnh đạo trung kiên, mẫu mực, Nxb.CTQG, H.2003, tr.20.