Tiếp tục đổi mới công tác lý luận trong học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới
Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vị trí, vai trò của công tác lý luận luôn được V.I. Lênin coi trọng và đánh giá cao. Trong tác phẩm Làm gì?, V.I.Lênin chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận cách mạng trong cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, cũng chỉ ra rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[2]. Điều khẳng định trên của V.I. Lênin và Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng, khi lý luận cách mạng được nhận thức, vận dụng sáng tạo và không ngừng bổ sung, phát triển và đạt được những thành tựu đã được ghi nhận.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn chủ động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào, từ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước ta được xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, đời sống của nhân dân ta ngày càng được cải thiện căn bản, toàn diện hơn, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, tỉnh Đắk Nông sau 20 năm tái lập tỉnh đã đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển:
Kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn
Các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Việc hoạch định chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông các nhiệm kỳ, đó là, vận dụng, kế thừa và phát triển “2 tập trung và 3 đột phá” đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020), đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tỉnh xác định 3 trụ cột của nền kinh tế gồm: phát triển công nghiệp Bôxít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch. Đồng thời, lựa chọn 3 đột phá chiến lược: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành ‘‘Tỉnh mạnh - dân giàu - thiên nhiên tươi đẹp - xã hội nghĩa tình”[3].
Từ nghiên cứu cơ sở lý luận, tỉnh Đắk Nông đã có 17 đề tài, đề án liên quan đến công tác công tác lý luận được triển khai nghiên cứu, nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn, như các đề tài, đề án: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở Đắk Nông: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Xây dựng nhân cách văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống “văn minh, nhân ái, nghĩa tình” trong cuộc sống... Bên cạnh đó, có nhiều đề tài được vận dụng hiệu quả trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong giảng dạy và học tập; trong thực thi nhiệm vụ công vụ được giao; vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sớm đưa nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng vào cuộc sống
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng được cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới, triển khai bài bản, nghiêm túc, chất lượng, như: học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các chuyên đề hằng năm của Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; tổ chức sinh hoạt chính trị tư tưởng các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...
|
Hội nghị sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cập nhật thông tin lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được tổ chức kịp thời, với nhiều hình thức, từ năm 2020 - đến tháng 6/2024, toàn tỉnh mở 1.518 lớp học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, cập nhật lý luận chính trị cho 118.858 lượt cán bộ, đảng viên tham gia. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được quan tâm; chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố ngày càng nâng cao; hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, với nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Hội nghị đánh giá Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2023,2024 |
Thành tựu đạt được từ nghiên cứu lý luận
Cùng với thành tựu lý luận và thực tiễn qua gần 40 năm đổi mới đất nước và 20 năm tái lập, tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh góp phần phát triển toàn diện, nâng cao đời sống văn hóa, chất lượng cuộc sống của Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm đạt khá (GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,19%, riêng 9 tháng đầu năm 2024 đạt 5,21% (Nghị quyết 6,55%); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 68 triệu đồng/người, gấp hơn 12 lần so với năm 2004); văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh không ngừng được đổi mới, đến nay, có 40/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng ta lãnh đạo ngày càng được củng cố và tăng cường, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác lý luận
Thời gian tới, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” gắn với Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”; Quy định số 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước” và các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác lý luận, học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
|
Đ/c Vũ Tá Long, TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu kết luận Hội nghị giao ban công tác lý luận chính trị 6 tháng đầu năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn (sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, rút ra bài học kinh nghiệm…), đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trực tiếp là phục vụ công tác xây dựng báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các nhiệm kỳ tiếp theo. Ứng dụng kết quả nghiên cứu lý luận vào trong công tác, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa thực tiễn và lý luận.
Đặc biệt, hiện nay các cấp ủy đảng đang tập trung chuẩn bị công tác đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vì vậy, để đảm bảo công tác xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp đạt chất lượng, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phải đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có những đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao.
Tiến Dũng
[1] V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. tr. 32
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 268
[3] Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31/12/2023.