Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới (Kết luận số 13-KL/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 31-CTr/TU, ngày 27/10/2021; Ban cán sự đảng UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 905-KH/BCSĐ, ngày 29/12/2021 về thực hiện Kết luận số 13-KL/TW.
Qua 03 năm triển khai thực hiện, Kết luận số 13-KL/TW và các văn bản liên quan đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt nghiêm túc, kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, treo băng rôn, cổ động, phát tờ rơi, ký cam kết, tổ chức hội nghị, tuyên dương các cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao... tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. |
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức gần 300 buổi tuyên truyền cho hơn 50.000 lượt người tham dự, phát 80.000 tờ rơi, treo 120 băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng 38 chuyên mục, 104 bản tin phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 87 phóng sự, 09 phim phóng sự tuyên truyền. Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 84 đợt phát động tuyên truyền tại địa bàn cơ sở cho trên 41.000 luợt người tham gia; xây dựng nhiều mô hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: “Tổ tự quản mốc đường biên”, “Hộp thư tố giác tội phạm”... Công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực gắn với các phong trào, cuộc vận động khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”, nổi lên những mô hình hay, sáng tạo và phát huy hiệu quả tích cực như: “Mô hình giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù”, “Tổ an ninh Nhân dân", “Cổng trường an toàn về an ninh, trật tự”, “Zalo an ninh”, “Camera an ninh”,… Các mô hình này phát huy hiệu quả, khơi dậy tinh thần đoàn kết, dân chủ, ý thức tự giác của quần chúng Nhân dân, góp phần hạn chế nguy cơ, điều kiện nảy sinh tội phạm ngay từ cơ sở.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã mở 03 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; 03 đợt cao điểm truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã; đã điều tra làm rõ 1.056/1.092 vụ tội phạm về trật tự xã hội, đạt 96,7%, riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Trong đó, phát hiện, đấu tranh triệt phá 03 vụ 08 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu lợi bất chính trên 15 tỷ đồng; 01 đối tượng lừa đảo huy động vốn đầu tư, chiếm đoạt số tiền hơn 26 tỷ đồng; triệt phá 01 nhóm 03 đối tượng thuê 29 xe ô tô ở các tỉnh, thành phố sau đó đem đi cầm cố, bán chiếm đoạt tổng số tiền 4,27 tỷ đồng; xác lập, đấu tranh 10 chuyên án lớn, bắt 26 đối tượng vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 31,5 bánh heroin, 02 kg ma túy đá. Bắt, vận động đầu thú, thanh loại 159 đối tượng truy nã; phát hiện, bắt 36 vụ, trong đó đã bắt 15 vụ 103 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng internet với số tiền sử dụng để đánh bạc trên 792 tỷ đồng. Khởi tố 364 vụ 529 bị can; xử lý hành chính 384 trường hợp, phạt 386 triệu đồng…
Công tác truy tố, xét xử, thi hành án hình sự được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung, kháng nghị, hủy án để điều tra lại giảm so với những năm trước. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 2.702 vụ/5.514 bị cáo, giải quyết 2.702 vụ/5.296 bị cáo. Công tác giải quyết các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
|
Lan tỏa mô hình dân vận khéo “Tôi làm Công an xã” của Công an tỉnh Đắk Nông. |
Thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), thông qua việc thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Công an hai tỉnh Đắk Nông - Mondulkiri. Nhờ làm tốt công tác phối hợp nắm tình hình và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, trong những năm qua tình hình tội phạm trên tuyến biên giới được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tinh vi, chuyên nghiệp các hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, lập trình trò chơi điện tử trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả mạo trường hợp khó khăn để kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng số tiền lớn với sự tham gia của nhiều đối tượng; tội phạm về kinh tế, nổi lên là các hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; sản xuất, buôn bán hàng giả, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khai thác, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản, lâm sản trái phép…
Trong những năm tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, trọng tâm là Kết luận số 13-KL/TW; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; làm tốt công tác quản lý những đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn cơ sở. Phát huy vai trò cùa cơ quan thông tin đại chúng, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng; giám sát và thực hiện các kiến nghị, khiếu nại của Nhân dân ngay từ cơ sở, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu các yếu tố phát sinh tội phạm. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm theo chuyên đề, đối tượng; không để hình thành băng, nhóm tội phạm hoạt động lộng hành, phức tạp trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng thế trận an ninh Nhân dân kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp bảo đàm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới giữa các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới không để tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.
Thanh Tùng