Toàn quốc kháng chiến: khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam((Kỷ niệm 76 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946-19/12/2022))
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, là sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Tuy vậy, được sự giúp sức của các nước đế quốc, thực dân Pháp ráo riết trở lại xâm lược nước ta, nhằm xóa bỏ thành quả mà nhân dân Việt Nam phải mất bao máu xương mới giành lại được. Trước tình hình đó, Đảng đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đối phó với cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước. Tiếng súng toàn quốc kháng chiến thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mở đầu thiên anh hùng ca bất diệt của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị thế và lực mới cho cuộc chiến
Để phát động toàn quốc kháng chiến là cả một quá trình chuẩn bị thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Toàn dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết một lòng, đồng tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng nhà nước mới, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, diệt trừ “giặc dốt”, thanh toán “nạn đói”, xây dựng một xã hội mới; tiến hành đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, kháng chiến ở miền Nam, đối phó quân Tưởng ở miền Bắc, tìm cơ hội để tránh cuộc chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng,... đưa dân tộc vượt qua tình thế hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, đủ sức bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Thực tế, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bắt đầu từ ngày 23-9-1945, là một cơ sở thực tiễn để Đảng sớm xác định đúng đắn đường lối kháng chiến ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng.
Trong thời gian hòa hoãn với Pháp, để phát triển lực lượng về mọi mặt, ta đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, tích lũy luơng thực, vũ khí, chuẩn bị lực lượng và hậu phương cho cuộc kháng chiến. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng. Chính phủ Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập, quy tụ nhiều đoàn thể, đảng phái và nhân sĩ yêu nước, đồng thời loại bỏ được các nhóm phản động.
Về quân sự, lực lượng bộ đội tập trung tăng từ 5 vạn cuối năm 1945 lên 8,2 vạn cuối năm 1946, cùng với lực lượng vũ trang địa phương (tự vệ, tự vệ chiến đấu, du kích, công an xung phong) lên tới hàng triệu người. Các phong trào Đảm phụ quốc phòng, Mùa Đông binh sĩ,... giúp bộ đội bớt khó khăn, thiếu thốn khi bước vào kháng chiến toàn quốc.
Ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Công việc khẩn cấp bây giờ, trong đó yêu cầu phải chuẩn bị tốt việc tổ chức bộ đội và tự vệ, dân quân, bao gồm cả việc chỉ huy, chế tạo vũ khí, cung cấp lương thực, trong đó lưu ý phải “tổ chức du kích khắp nơi”, chú trọng tăng gia sản xuất gạo, muối; chú trọng tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và động viên dân chúng.
Từ tháng 10-1946, Bộ Tổng Tham mưu đã tập trung nghiên cứu ba vấn đề: cách đánh trong thành phố; cách đánh xe tăng, thiết giáp; cách phá hoại đường sá. Đến tháng 11-1946, ta đã xác định phương án “trong đánh, ngoài vây” ở Thủ đô Hà Nội.
Ngày 23-11-1946, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: ở thành phố, biến mỗi đường phố thành một chiến hào; ở nông thôn, mỗi làng là một pháo đài. Các chiến khu được thành lập, Việt Bắc được chọn làm căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Đường lối kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh.
Nêu cao tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến
Trước thái độ hiếu chiến và hành động lấn tới của thực dân Pháp, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã thể hiện rõ thiện chí hòa bình, mong muốn hợp tác với Pháp trên cơ sở tôn trọng quyền độc lập, thống nhất của Việt Nam. Nhưng, trái với thiện chí và mong muốn hòa bình của ta, thực dân Pháp ngày càng gia tăng gây sức ép và chuẩn bị chiến tranh.
Ngày 15-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp, đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm làm dịu tình hình ở Việt Nam. Ngày 18-12-1946, Người tiếp tục gửi đến Thủ tướng Pháp - Léon Blum các giải pháp để cứu vãn hòa bình và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh nổ ra. Nhưng, những bức điện này đã bị ngăn lại ở cơ quan Cao ủy Pháp tại Sài Gòn. Thực tế, từ khi đưa quân ra miền Bắc theo Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp bội ước, gạt bỏ mọi khả năng thương lượng, ráo riết thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh. Chúng biến đội quân “tiếp phòng” thành đội quân chiếm đóng và áp dụng hình thức “đánh lấn”. Sau khi chiếm Tây Nguyên, một phần Đông Bắc, Tây Bắc, Pháp ngang nhiên tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn. Chúng khẩn trương chuẩn bị gây chiến ở Hà Nội với mục đích nắm quyền quản lý Thủ đô Việt Nam nhằm “vô hiệu hóa tức thì Chính phủ Hồ Chí Minh”.
Trước tình hình hết sức khẩn trương, ngày 18, 19-12-1946, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Vạn Phúc - Hà Đông, nhận định thời kỳ hòa hoãn đã qua và chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng, chỉ thị cho các mặt trận sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó nói rõ nguyên nhân: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”[1]. Trên cơ sở đó, Đảng ta phát động toàn quốc kháng chiến. Có thể khẳng định, phát động toàn quốc kháng chiến là một quyết tâm chiến lược đúng đắn, kịp thời và sáng tạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tạo thế chủ động cho toàn bộ cuộc kháng chiến
Nét đặc sắc trong nghệ thuật mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng và quân, dân ta đó là phải nắm quyền chủ động và phải tạo được sức mạnh ngay từ đầu, chủ động đánh đòn phủ đầu, làm cho thực dân Pháp từ thế chủ động chiến lược tấn công chuyển sang thế bị động đối phó và phải đánh theo cách đánh của ta. Do đó, việc chủ động tiến công địch ở các đô thị, mở đầu toàn quốc kháng chiến là một thành công lớn của quân và dân ta.
.jpg)
Quân và dân Hà Nội đào giao thông hào ngay trong Bắc bộ phủ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc (Ảnh: tư liệu)
Ở Thủ đô Hà Nội, đêm 19-12-1946, lực lượng ta đồng loạt tiến công các mục tiêu trong thành phố. Thế trận trong đánh ngoài vây - trong ngoài cùng đánh đã phát huy tác dụng kìm chân và tiêu hao sinh lực địch. Sau hai tháng chiến đấu trong lòng Hà Nội, ngày 17-2-1947, Trung đoàn Thủ đô bí mật vượt vòng vây dày đặc của kẻ thù, rút ra ngoài an toàn, tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng, thực hiện kháng chiến lâu dài. Rõ ràng, việc giam chân địch dài ngày ở các thành phố, thị xã cũng đồng nghĩa việc quân và dân ta đánh bại một bước quan trọng chủ trương chiến lược ‘đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù.
Ở Nam Bộ, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương Tổng tiến công, quấy rối, phong tỏa, phá hoại. Hoạt động đồng loạt của Tự vệ thành và Cảm tử quân Sài Gòn gây chân động lớn trong thành phố. Tiếp đến là những trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến” liên tiếp diễn ra. Suốt mấy tháng liền, gần 4 vạn quân địch bị giam chân ở Nam Bộ.
Ở Tây Nguyên, quân và dân ta tiến hành hàng chục trận phục kích địch trên các trục đường lớn, kết hợp với bao vây, uy hiếp đồn bốt, phá cầu đường, gây dựng cơ sở, củng cố buôn làng chiến đấu. Các trận đánh trên đường số 1, đường số 11, đường xe lửa Phan Thiết, Sài Gòn, Tháp Chàm - Đà Lạt,... là những chiến công nổi bật của quân và dân Nam Trung Bộ.
Ở các thành phố, thị xã trong cả nước hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch trong nhiều ngày. Trong thời gian đó, ta thực hiện di chuyển cơ quan lãnh đạo, di chuyển kho tàng, máy móc, trang bị và các loại nguyên vật liệu cần thiết cho cuộc kháng chiến.
Có thể khẳng định, toàn quốc kháng chiến là đòn tác chiến chiến lược đầu tiên của chiến tranh cách mạng trên quy mô cả nước, diễn ra đồng loạt trên các đô thị Bắc vĩ tuyến 16 và có sự phối hợp của quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, thể hiện ý chí quyết tâm, truyền thống đấu tranh giữ vững độc lập, tự do của dân tộc. Với tinh thần và ý chí đó, cả nước đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khí thế hào hùng, bằng sức mạnh của lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc cao độ, chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí và với nghệ thuật quân sự độc đáo, quân và dân ta đã vượt qua những bất lợi về tưong quan lực lượng, về vũ khí trang bị, lập nên những chiến công oanh liệt, giành được những thắng lợi quan trọng, tạo ra khoảng thời gian quý báu cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Toàn quốc kháng chiến để lại nhiều bài học, đó là bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; về giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt trong sách lược, kiên trì đối thoại; chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến lâu dài trên các mặt; về nghệ thuật chỉ đạo kháng chiến; nghệ thuật quân sự; về huy động sức mạnh nhân dân; về phát huy lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của quần chúng nhân dân…Những bài học kinh nghiệm, tinh thần, ý chí toàn quốc kháng chiến đã được vận dụng và phát huy trong chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn cách mạng hiện nay.
Cẩm Trang
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945 - 1947), tr. 160.