Báo chí cách mạng góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Báo chí cách mạng với bề dày lịch sử, đóng vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, định hướng dư luận trước các thông tin. Trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Đảng, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò trong việc cổ động đoàn kết, bênh vực quyền lợi của nhân dân.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, tổ chức, tập hợp sức mạnh toàn dân vào thực tiễn cách mạng, khơi dậy quyết tâm, phản bác lại các luận điệu lừa bịp của kẻ thù, đoàn kết dân tộc, cùng nhân dân quyết chớp thời cơ vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Trong những năm 1936-1939, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai. Nhiều tờ báo viết bằng tiếng Pháp được xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn, nổi bật có tờ Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng nhằm tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Ðảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; đấu tranh chống bọn Trốt-kít;…
Tháng 5-1941, Đảng chỉ đạo hệ thống báo chí hoạt động nửa bí mật, nửa công khai. Tuyên truyền đường lối, chủ trương xây dựng Mặt trận Việt Minh, tập hợp lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Theo đó, đã có gần 40 tờ báo và tạp chí in trong nước. Tại Hà Nội, xuất hiện các tờ báo công khai như Tiếng nói của chúng ta, Tin tức, Lao động, Đời nay, Bạn trẻ. Tại miền Trung, chủ yếu là Thừa Thiên – Huế và Nghệ An có các tờ báo: Hồn trẻ, Giết giặc, Quyết chiến, Tiếng dân, Vì nước và nhiều báo khác ở Nam Bộ.
Trong đó, Cờ Giải Phóng và Cứu Quốc (1942-1945) là hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đặc điểm chung của những tờ báo này là đều đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và mang tính định hướng dư luận, đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế, kêu gọi nhân dân nhìn nhận lại kẻ thù chính của dân tộc. Khi Trung ương quyết định Đảng vào hoạt động bí mật, ra tuyên bố tự giải tán, tờ Sự thật, ra ngày 5-12-1945 đã thay thế báo Cờ Giải Phóng. Ngoài ra, thời kỳ này có hai tờ báo ra được nhiều số nhất đó là tờ Thanh niên (trên 200 số) và Việt Nam độc lập (126 số), đều do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Đặc điểm nổi bật của báo chí trong Cách mạng Tháng Tám là tính định hướng và chỉ đạo cách mạng rất cụ thể. Lãnh đạo cơ quan báo chí là những cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng, Xứ ủy tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Nguyễn Chí Thanh.... Đồng thời, các tổ chức đoàn thể ở hầu hết các địa phương đều xuất bản báo bí mật, để tuyên truyền chủ trương của Đảng từ Trung ương đến địa phương.
Sau đảo chính của phát xít Nhật ở Đông Dương (ngày 9-3-1945), thời cơ cách mạng giành chính quyền xuất hiện, hệ thống báo chí cách mạng từ Trung ương đến địa phương gần như chuyển đề tài tuyên truyền về xây dựng tổ chức Mặt trận Việt Minh sang tuyên truyền, vận động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc với khẩu hiệu: “Đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền”. Nội dung nhật lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc trước ngày 15-8-1945 đã được đăng trên các báo: Cứu quốc; Cờ giải phóng; Dân mới; Kháng địch... Với cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, giản dị có tranh minh họa sử dụng văn vần nhằm giúp mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Hình thức thể hiện về nội dung cũng rất phong phú với các mục: bình luận, xã luận, người tốt việc tốt, thơ, ca dao, vè mang đậm chất cổ động, nội dung kêu gọi hành động giành chính quyền về tay nhân dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau trong tuyên truyền, có thể là báo chí viết bằng tay, báo in li tô, có thể báo biết trong tù ngục, báo viết ở nông thôn … Đây là phương thức phát hành độc đáo, sinh động, hiệu quả nhất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần nhân bản hàng triệu bài báo có tính chỉ đạo hành động cách mạng trong cả nước, động viên nhân dân cả nước tận dụng thời cơ đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Có thể khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 đã hình thành và phát triển thành một hệ thống báo chí từ Trung ương đến cơ sở, trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh đến toàn thể nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dưới sự tổ chức, lãnh đạo của các chi bộ Đảng, báo chí cách mạng (trong đó có báo chí trong các nhà tù, trại giam đế quốc, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh của những người cộng sản), góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giữ vững tinh thần cho các chiến sĩ bị giam giữ, tù đày, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng tổ chức Đảng và đào tạo đội ngũ cán bộ; là phương tiện để tổ chức đảng lãnh đạo các cuộc đấu tranh với những mục tiêu và phương pháp khác nhau; là vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, chống những luận điệu phản động, bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, bảo vệ Đảng; là nhân tố góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng.
Cẩm Trang