Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo đối với việc đổi mới toàn diện ngành giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với hoạt động giáo dục được nâng; sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới, những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đã triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành về quan điểm đổi mới chương trình sách giáo khoa; mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh (tỷ lệ xã, phường, thị trấn có 1,7 cơ sở giáo dục mầm non, 1,6 trường hiểu học, 1,1 trường THCS và 01 Trung tâm học tập cộng đồng; mỗi đơn vị cấp huyện có 4,1 trường THPT và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân).
Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt việc phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy học và quản lý bước đầu đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các mô hình đổi mới giáo dục được triển khai hiệu quả ở hầu hết các trường trong toàn tỉnh, gắn hoạt động trải nghiệm sáng tạo với thực tiễn sản xuất, nông nghiệp, du lịch, văn hóa của địa phương góp phần mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp tăng, đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; số lớp học 2 buổi/ngày đạt 100%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi nhà trẻ là 1,8%; mẫu giáo là 1,79%. Đối với giáo dục phổ thông, kết quả năm học 2022-2023 có 12 học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học là 97%; học sinh tốt nghiệp THCS là 99,7% (năm 2022 là 99,59%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT là 97,5% (tăng 0,78% so với năm 2022); điểm trung bình tốt nghiệp THPT xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2022).
Về cơ sở vật chất, những năm qua tỉnh đã đặc biệt quan tâm tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Đầu tư xây dựng các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đảm bảo quá trình dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp chính quyền quan tâm, các đơn vị địa phương đã tăng cường quản lý về mọi mặt, hướng đến chất lượng giáo dục đạt chuẩn quy định; phối hợp với các Nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn nhằm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, tránh tình trạng thiếu sách trên địa bàn tỉnh. Đối với tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Đắk Nông đã được biên soạn bám sát chương trình chi tiết theo môn học của từng khối lớp, thiết kế các hoạt động khơi gợi sự tò mò, sáng tạo cho các em.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tỉnh đặc biệt quan tâm, đến nay năng lực và trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhiệm vụ đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp chưa đạt theo quy định, nhất là đối với giáo dục mầm non, tiểu học. Giáo viên trung học thừa thiếu cục bộ tùy theo từng bộ môn, từng địa phương. Còn một số ít giáo viên trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; việc đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương, đặc biệt là đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần còn gặp nhiều khó khăn…
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới. Tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Bố trí đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, tinh gọn, hiệu quả; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; nâng cao chất lượng trong giáo dục các cấp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, bảo đảm theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đa dạng các hình thức hỗ trợ, đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở mọi cấp học nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục; chú trọng nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm sự đồng đều về chất lượng giáo dục.
Hải Yến