Phát triển kinh tế Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - Thực trạng và giải pháp
Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 380.945 ha, chiếm 63,3% diện tích đất nông nghiệp (601.538 ha). Trong những năm qua, nông nghiệp Đắk Nông đang có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại những hiệu quả rõ nét.
Năm 2023, tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 18.537 tỷ đồng, tăng 3.045 tỷ đồng so với năm 2022; tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 6,76% (tăng trên 2% so với kế hoạch), đứng thứ hai toàn quốc, giữ vai trò là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp đạt 103 triệu đồng (đạt 112% kế hoạch); tỉnh có 95 sản phẩm của 78 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất được công nhận OCOP hạng 3 - 4 sao; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao NNƯDCNC với quy mô 2.423 ha; 01 khu NNƯDCNC diện tích 120ha; phát triển 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng; năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện rõ rệt, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, một số loại cây trồng tỉnh Đắk Nông có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước (diện tích cà phê Đắk Nông hiện đạt khoảng 141.000 ha, đứng thứ hai cả nước, sản lượng ước đạt khoảng 400.000 tấn/năm; diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 33.985ha, sản lượng 69.762 tấn, diện tích hồ tiêu Đắk Nông đứng đầu cả nước;…). Toàn tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được 7 chuỗi liên kết, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Trong đó, trọng tâm là xây dựng HTX kiểu mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX phát triển mạnh về số lượng, chất lượng; mở ra nhiều dịch vụ mới, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên và nông dân.
Năm 2023, Đắk Nông có 280 HTX (trong đó: 229 HTX nông nghiệp, 51 HTX phi nông nghiệp). Các HTX tạo việc làm cho gần 17.130 thành viên và trên 8.000 lao động, doanh thu bình quân đạt 1,6 tỷ đồng/HTX; tỷ lệ HTX hoạt động khá chiếm trên 38%, trung bình chiếm gần 55%, yếu kém dưới 7%.
Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những năm qua, các HTX, tổ hợp tác (THT) nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở những nơi có HTX, THT nông nghiệp hoạt động, nhìn chung, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, HTX, THT nông nghiệp còn là đầu mối quan trọng cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho thành viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn mà còn làm thay đổi nhận thức của nhiều nông dân về vai trò của HTX trong giai đoạn phát triển mới.
Các HTX phi nông nghiệp đã và đang tích cực đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập ngày càng cao cho thành viên, người lao động. Nhiều HTX nông nghiệp có sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao như: HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, HTX Thịnh Phát, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, HTX Đắk Ka, HTX Thanh Thái, HTX Nam Hà…
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển các HTX, THT nông nghiệp thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập, cụ thể: công tác tuyên truyền phát triển, xây dựng, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động thiếu hiệu quả, liên kết tiêu thụ còn hạn chế, thiếu chiều sâu; phần lớn các HTX, THT sản xuất với quy mô nhỏ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ thành viên chưa nhiều; trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ quản lý của các HTX, THT còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay; các thành viên trong HTX, THT chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của liên kết, chưa thật sự năng động, nhạy bén với thị trường; tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao do mẫu mã, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm; HTX nông nghiệp mang tính đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường…
Khắc phục những hạn chế, phấn đấu đến năm 2025 tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các HTX nông nghiệp đạt 12%/năm, THT nông nghiệp đạt 22,78%/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 14,71%/năm. Đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại khá, tốt đạt trên 50%; không còn HTX nông nghiệp yếu kém, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, các HTX, THT nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, điều hành, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của từng địa phương phù hợp với định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, hiệu quả; qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX, THT liên kết với doanh nghiệp hoặc phát triển thành loại hình sản xuất doanh nghiệp trực thuộc HTX; phát triển HTX trở thành đơn vị tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ logistics, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp,…
Thứ ba, mỗi địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, định hướng phát triển HTX, THT gắn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong thực hiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trở thành đầu mối liên kết chính trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tiến tới sản xuất theo nhu cầu và đặt hàng của thị trường.
Thứ tư, Hỗ trợ kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị nông sản giữa các HTX, THT, doanh nghiệp với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước, các sàn thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản.
Thứ năm, Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX, THT ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nâng cao vai trò của HTX, Tổ hợp tác trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; tạo điều kiện mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ của HTX gắn với chuỗi giá trị để đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Kim Thu