Xô viết Nghệ - Tĩnh sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử
Nhắc đến phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930-1931, chúng ta không thể không nhắc đến phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, nó là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; đánh dấu việc Đảng Cộng sản Việt Nam, sau tháng 10/1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương, một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn chỉ báo về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhân kỷ niệm 93 năm (12/9/1930-12/9/2023) Xôviết Nghệ - Tĩnh, một lần nữa chúng ta lại có cơ hội để khẳng định ý nghĩa to lớn và đúc kết những bài học quý báu của phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam; tôn vinh những đóng góp và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; khơi dậy, phát huy tinh thần, ý chí cách mạng của Xôviết Nghệ - Tĩnh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ nhất, thành quả và ý nghĩa to lớn của phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngay sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến tạo nên cao trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930-1931. Nghệ - Tĩnh, mảnh đất mang tinh thần quật khởi, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, đã trở thành nơi khởi nguồn của cao trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ trong cả nước. Bắt đầu từ hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, phong trào đấu tranh bùng nổ với sự xuất hiện các cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, diễn thuyết ở nhiều nơi. Các khẩu hiệu đấu tranh không chỉ đòi dân sinh, dân chủ cho công - nông Việt Nam mà còn ủng hộ Liên bang Xô viết, phản đối chiến tranh quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh đã diễn ra liên tục và ngày càng quyết liệt, làm cho chính quyền thực dân, phong kiến ở nhiều địa phương như Can Lộc (Hà Tĩnh), Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) bị tê liệt.
Từ nhận định sâu sắc về phong trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ - Tĩnh là “… sự thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ - Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước …”, nhằm cổ vũ phong trào cách mạng, Trung ương Đảng đã chỉ thị các cấp bộ đảng “… hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa”; đồng thời, ra lời kêu gọi thợ thuyền, dân cày, binh lính liên hiệp đấu tranh bảo vệ công nông Nghệ An với khẩu hiệu “Không được động tới công nông Nghệ An’.
Phong trào đấu tranh của quần chúng lên đỉnh điểm bằng cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn và quyết liệt của hơn 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) ngày 01/9/1930. Sau cuộc đấu tranh, nhiều chính quyền thực dân, phong kiến ở các làng, xã trong huyện bị tan rã. Từ Thanh Chương, các chính quyền Xôviết lần lượt xuất hiện trong nhiều tổng, huyện Nghệ An và Hà Tĩnh.
Sự bùng nổ mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh được Trung ương Đảng đánh giá là “có một tầm quan trọng lớn”. Tuy nhiên, trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh phảm tìm ra phương thức đấu tranh thích hợp, tránh tổn thất, hy sinh, giữ gìn và bảo toàn lực lượng. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, các cấp bộ đảng ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiến hành củng cố các Xôviết, lập kế hoạch tổ chức biểu tình cẩn trọng, đồng thời chuẩn bị điều kiện rút vào hoạt động bí mật khi bị địch khủng bố trắng.
Phong trào đấu tranh của quần chúng công - nông ở Nghệ An - Hà Tĩnh được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc theo dõi sát sao và đánh giá cao. Chính Người đã chỉ ra tên gọi của hình thức chính quyền cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh là chính quyền Xôviết trong báo cáo ngày 20/9/1930 gửi Quốc tế Cộng sản. Những báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giúp Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản nắm được tình hình, qua đó ủng hộ và giúp đỡ cách mạng Việt Nam.
Vượt ra khỏi không gian của đất nước, phong trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh mang ý nghĩa quốc tế to lớn. Đây là cao trào cách mạng công - nông đầu tiên nổ ra trong hệ thống thuộc địa thế giới, tiến công vào dinh lũy của chủ nghĩa thực dân. Thông qua phong trào, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hội nghị toàn thể lần thứ 11 (4/1931) của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đánh giá phong trào 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh là những hình thức chủ yếu của phong trào cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Việc thành lập các Xôviết công - nông ở Nghệ - Tĩnh được xem là những thành tích đặc biệt to lớn mà các đảng cộng sản cần phải chú ý nghiên cứu và học tập. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam, sau tháng 10/1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương, đã được Quốc tế Cộng sản công nhận là bộ phận độc lập.
Thứ hai, vai trò của quần chúng nhân dân trong việc hình thành nên khối liêm minh công - nông, là nòng cốt để thu hút các tầng lớp nhân dân trong mặt trận đấu tranh chống đến quốc, phong kiến.
Ngọn lửa Xô viết Nghệ - Tĩnh bắt đầu được thắp lên từ cuộc đấu tranh của công nhân ở Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Sau đó, phong trào lan rộng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; được tổ chức theo nhiều hình thức đấu tranh quyết liệt, như: vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy, tiến công vào cơ quan chính quyền thực dân - phong kiến ở địa phương; góp phần hình thành đạo quân cách mạng công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua các phong trào đấu tranh của quần chúng, khối liêm minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân ngày càng gắn bó mật thiết hơn, làm cơ sở để tập hợp, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân lao động vào cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Khối liêm minh công - nông hình thành trong phong trào đấu tranh 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh là bằng chứng hùng hồn cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, với Cương lính chính trị đúng đắn, sáng tạo, đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, xứng đáng là đại biểu cho lợi ích và trí tuệ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đó là thành quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam khi xác định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người làm nên lịch sử; không có sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với đảng của giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Đó cũng là truyền thống ngàn năm của dân tộc ta về: “Dân làm gốc”, “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát huy xuất sắc trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó, sức mạnh đại đoàn kết nhân dân là sức mạnh vô địch, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân; “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Với phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, lần đầu tiên, khối liêm minh giữa giai cấp công nhân và nông dân được hình thành; công - nông Việt Nam đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào năng lực cách mạng của chính mình. Qua phong trào cách mạng đó, giai cấp công nhân và nông dân đã thể hiện vai trò “là gốc của cách mệnh”, là lực lượng chủ yếu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, từ phong trào đã hình thành một đội ngũ cán bộ cách mạng được trui rèn, tôi luyện qua đấu tranh, trở thành hạt nhân tích cực trong các cao trào cách mạng giải phóng dân tộc những năm 1930-1931 và 1939-1945 cũng như phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc sau này.
Thứ ba, phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.
Phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh để giành lại những bài học quý báu cho sự nghiệp đáu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.
Đó là bài học về không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh là minh chứng để đủ tính thuyết phục về vai trò, vị trí tiên phong, năng lực lãnh đạo và tổ chức quần chúng của Đảng ta nhằm thực hiện thắng lợi cách mạng. Điều đó thể hiện trước hết ở Cương lĩnh chính trị đúng đắn vưới việc vừa xác định những mục tiêu cụ thể, thiết thực (ruộng đất, cơm áo và các quyền tự do, dân chủ), đáp ứng nguyện vọng cơ bản của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, trước hết là giai cấp công nhân và nông dân.
Đó là bài học về sự coi trọng đặc biệt xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn của quần chúng nhân dân, nòng cốt là công nhân và nông dân. Tuy phần lớn chỉ duy trì được khoảng 2-3 tháng, một số nơi duy trì được 6-7 tháng, nhưng những chính sách tiến bộ của Xôviết Nghệ - Tĩnh đã tạo niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân vào đường lối cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; làm cho quần chúng thấy rõ con đường cách mạng vô sản, đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Với chiến lược và phương pháp cách mạng đúng đắn, kết hợp hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, kết hợp sức mạnh của phong trào công nhân và phong trào nông dân, Đảng ta đã xây dựng được khối liên minh công - nông, mang lại thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đó là bài học về xây dựng chính quyền cách mạng kiểu mới. Khi chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh mục tiêu “… cách mệnh rồi thì chuyển giao cho dân chúng số nhiều …”, nghĩa là phải đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, mang lại quyền lợi cho đông đảo quần chúng nhân dân. Chính quyền Xôviết non trẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh thời gian cuối năm 1930, đầu năm 1931 đã bước đầu thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của một chính quyền cách mạng của nhân dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tư tưởng “tả khuynh” trong Quốc tế Cộng sản, cấp bộ đảng địa phương đã mắc sai lầm trong việc xác định đối tượng cách mạng, ví dụ đề ra khẩu hiệu hành động: “Đả trí, Phú, Địa, Hào; Đào tận gốc, trốc tận rễ”. Do vậy, cùng với những bài học thành công, phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh cũng đã để lại cho Đảng ta bài học sâu sắc về đề phòng và khắc phục tư tưởng “tả khuynh” trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.
Thứ tư, phát huy tinh thần và giá trị của Xôviết Nghệ - Tĩnh trong xây dựng quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh và cả nước.
Nghệ An và Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam với những dấu ấn đầu tiên về xây dựng chính quyền cách mạng. Hơn 90 năm qua kể từ khi có Đảng, nhất là sau hơn 35 năm tiến hành cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã đạt đưuợc những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào. Từ những tỉnh nghèo, Nghệ An và Hà Tĩnh đã trở thành những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực miền Trung và cả nước, trong đó, một số năm gần đây đạt trên 10%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã đặt được những kết quả quan trọng. Đến năm 2019, 257/431 xã ở Nghệ An và 173/253 xã ở Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.
Trong bối cảnh mới, Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, kiên trì và quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống hào hùng của quê hương cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tập trung cao trí tuệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển trên quê hương Xôviết Nghệ - Tĩnh.
Vang mãi trong bản anh hùng ca cách mạng Việt Nam, âm hưởng, hào khí của phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh những năm 1930-1931 tiếp tục trở thành nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thành công khát vọng phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn của các anh hùng tiên liệt và toàn thể nhân dân ta. Tinh thần Xôviết Nghệ - Tĩnh tiếp tục khơi dậy niềm tin, ý chí và tạo động lực để các Đảng bộ và nhân dân trong cả nước đã đoàn kết sẽ đoàn kết hơn nữa, đã đồng tâm nhất trí sẽ đồng tâm nhất trí hơn nữa, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành ở mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Hoàng Mạnh - Tổng hợp
Nguồn: Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước - GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng