Ngân hàng chính sách xã hội đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tập trung triển khai toàn diện các mặt hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, tăng cường công tác giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện đến 31/3/2024 đạt 4.922 tỷ 708 triệu đồng, tăng 320 tỷ 222 triệu đồng, tăng 6,96% so với năm 2023, trong đó: nguồn vốn tín dụng cho vay cân đối từ Trung ương đạt 3.974 tỷ 728 triệu đồng, chiếm 85,8% tổng nguồn vốn thực hiện, tăng 571 tỷ 590 triệu đồng; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất 355 tỷ 802 triệu đồng, chiếm 7,2%/tổng nguồn vốn, tăng 33 tỷ 393 triệu đồng, tăng 10,36% so với năm 2023; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 355 tỷ 158 triệu đồng, chiếm 7,2%/tổng nguồn vốn, tăng 49 tỷ 931 triệu đồng so với năm 2023. Tổng dư nợ đến hết tháng 3/2024, đạt 4.413 tỷ 600 triệu đồng, tăng 133 tỷ 523 triệu đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng đạt 3,12%, với 72.391 khách hàng còn dư nợ, chiếm 42% tổng số hộ dân của tỉnh; hoàn thành 96,66% kế hoạch dư nợ được giao.
Doanh số cho vay đạt 372 tỷ 746 triệu đồng, với 7.454 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay đạt cao như: Dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 1.866 tỷ 911 triệu đồng, chiếm 42% tổng dư nợ, với hơn 31.756 hộ đang còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 3.968 tỷ 221 triệu đồng, chiếm gần 96% tổng dư nợ của NHCSXH. Dư nợ cho vay các hộ gia đình thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác bên cạnh tăng cường công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng khác; các tổ chức hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn các hộ gia đình thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH để đầu tư vào sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Do vậy số hộ là người dân tộc thiểu số ngày càng được tiếp cận nguồn vốn, đến nay đã có 28.148 hộ vay vốn còn dư nợ, chiếm 38,8% số hộ vay vốn, với dư nợ 1.568 tỷ đồng chiếm 35,5%/tổng dư nợ; thông qua công tác vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế, đời sống của các hộ gia đình thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, dần xóa bỏ được mặc cảm, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng được củng cố, bền chặt.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định an sinh xã hội; Chi nhánh NHCSXH thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thông báo kịp thời nợ đến hạn, đánh giá nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ khoanh, phân tích các chỉ số liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng tại từng đơn vị để triển khai các giải pháp phù hợp với từng địa bàn. Đồng thời rà soát, xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng theo quy định, do vậy chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao.
Với 1.600 Tổ TK&VV, hoạt động tại 713 thôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời gian qua Tổ TK&VV đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa NHCSXH, chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực hiện đúng quy định của Nhà nước khi vay vốn NHCSXH. Dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội quý I năm 2024 đạt 4.407 tỷ 188 triệu đồng, tăng 134.498 triệu đồng so với cuối năm 2023 (Hội Nông dân đang quản lý 417 Tổ TK&VV, nhận ủy thác 1.170 tỷ 588 triệu đồng, chiếm 26,56% dư nợ cho vay; Hội Liên hiệp Phụ nữ đang quản lý 430 Tổ TK&VV, nhận ủy thác 1.261 tỷ 770 triệu đồng, chiếm 28,63% dư nợ cho vay; Hội Cựu chiến binh đang quản lý 371 Tổ TK&VV, nhận ủy thác 1.008 tỷ 934 triệu đồng, chiếm 22,88% dư nợ cho vay; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang quản lý 363 Tổ TK&VV, nhận ủy thác 966 tỷ 445 triệu đồng, chiếm 21,93% dư nợ cho vay).
Toàn Chi nhánh đã có 71 điểm giao dịch cố định tại 71 xã, phường, thị trấn, hoạt động giao dịch xã nói riêng và hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh nói chung đã và đang từng bước khẳng định và phát huy tính ưu việt của mô hình, là nơi thể hiện rõ việc xã hội hóa tín dụng chính sách vì mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ kết quả tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đến nay đã tạo điều kiện cho 72.391 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn với tổng dư nợ đạt 4.413 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Điển hình như: góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh); vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm); cho vay nhà ở xã hội, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở phòng tránh bão lụt... (tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư); nhóm chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn... (tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo).
Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phối hợp cùng các đơn vị nhận ủy thác, ban quản lý Tổ TK&VV tổ chức thực hiện việc tham gia gửi tiết kiệm, kế hoạch trả nợ theo phân kỳ đã cam kết. Các sở, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH hỗ trợ, hướng dẫn, lồng ghép các chương trình, các lớp tập huấn, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
Lệ Trang